Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Tính hiệu quả trong công tác sử dụng vốn qua trường hợp Chí Phèo

Theo Tin khó tin


Từ nhiều năm qua, Chí Phèo (1910?-1941, nguyên quán Vũ Đại, Lý Nhân, Hà Nam) vẫn được coi là một thần tượng của giới kinh doanh Việt Nam, những người luôn mơ ước về những cánh đồng lá mơ xanh và thảo nguyên đầy thịt chó mà không phải làm việc vất vả.
Bằng trình độ lý luận bậc thầy hàm thụ được trong nhiều năm ở tù, anh Chí đã bắt cụ Bá Kiến (1880?-1941, nguyên Chánh hội đồng huyện Lý Nhân, Bắc kỳ nhân dân đại biểu trong giai đoạn 1934-1941) phải nuôi mình uống rượu nhiều năm liền mà rất ít khi phải làm việc.
Đây là giai đoạn kinh tế Việt Nam đối mặt với những thử thách rất nghiêm trọng. Ngoài những hộ gia đình nắm bắt đúng thời cơ, như chị em An và Liên kinh doanh siêu thị mini ở ga xép Cẩm Giàng, Hải Dương, vốn là huyết mạch của tam giác kinh tế miền Bắc, thì hầu hết đều sống trong cảnh nghèo khó, có thể kể đến điển hình là nhà văn Từ, nhiều năm liền phải sống trong ánh trăng lừa dối mà không có tiền trả tiền điện, hay chị Dậu bị xô đẩy vào nghề buôn bán trẻ em và kinh doanh sữa kém chất lượng. Chính vì vậy, anh Chí xứng đáng trở thành một điển hình tiên tiến trong công tác kinh tế hộ gia đình.
Có được điều này, ngoài khả năng hùng biện tốt, tinh hoa mà các danh nhân ngày nay như Xờ-típ Dóp, đại tướng Kim Giống Ủn và tiến sỹ Nguyễn Tử Quảng đều đã kế thừa, anh Chí còn rất chú trọng đến việc đầu tư cho bản thân. Như Nam Cao đã chỉ ra: sau cuộc hội đàm 6 bên (cụ Bá Kiến, anh Chí và 4 bà vợ của cụ Bá) lần đầu tiên, anh Chí nhận được viện trợ 1 đồng bạc. Số tiền này, thay vì mua thuốc chữa mặt sẹo, anh sử dụng để uống rượu.
Theo nghiên cứu mới nhất của đại học Ha-vớt, Hoa Kỳ, việc uống rượu với một tần suất liên tục sẽ tạo ra một trạng thái thần kinh thăng hoa, gọi tắt là say. Trong quá trình say, Chí Phèo sẽ phát huy tối đa năng lực rạch mặt ăn vạ, chửi bới và chém người của mình. Với việc chứng minh thành công bổ đề: “Tần suất lao động tỷ lệ nghịch với thu nhập”, Chí Phèo trở thành một huyền thoại của ngành kinh tế học.
Ngày nay, có rất nhiều bạn sinh viên khi còn ngồi trong mái trường đã quá quan tâm đến việc thu nhặt kiến thức, hay “kỹ năng cứng” mà không phát triển “kỹ năng mềm”, bỏ qua việc đọc kênh 14 hay Việt Nam Tàu Nhanh mà không biết rằng đó là nơi cung cấp đề tài phong phú cho các cuộc họp với lãnh đạo, dè bỉu Liên xô chống Mỹ để rồi khi cần dắt đối tác đi giao lưu kết hợp, giở danh bạ điện thoại ra chỉ thấy số của các tiến sỹ, giáo sư bò-đi nhiều phần đã xập xệ. Và đáng buồn nhất, là nói không với bia rượu, dẫn đến việc thần kinh luôn ở trong trạng thái tỉnh táo. Căn cứ theo định lý đã được doanh nhân Chí Phèo chứng minh, thu nhập của các bạn kể trên vẫn tỷ lệ nghịch với tần suất lao động: làm càng nhiều lại càng ít tiền.
Tuy nhiên, như đã được chỉ ra trong tác phẩm “Chí Phèo”, huyền thoại kinh doanh làng Vũ Đại kết thúc theo một cách không mấy tốt đẹp. Nguyên nhân cũng vì uống nhiều rượu dẫn đến say.
Đây là bài học về tính linh hoạt trong việc sử dụng đồng vốn, khi sự khắc nghiệt của thị trường yêu cầu nhà đầu tư phải liên tục thay đổi hạng mục kinh doanh cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Bài học này còn có thể được rút ra từ các hãng điện thoại Nô-ki-a hay Bờ-lách-be-ri ngày nay, khi quá trung thành với dòng sản phẩm “nồi đồng cối đá”.
Trong khi đó, khi được hỏi uống rượu có tác dụng gì với việc làm toán,


... giáo sư Ngô Bảo Châu tủm tỉm cười cho biết ông học đại học tại Pháp, xứ sở rượu vang nổi tiếng
Hoàng Hối Hận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét