Trang

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Nhân chuyện Trần Quang Thành ôn chuyện Phương Lệ Chi

Sau cuộc vượt thoát chẳng khác gì chuyện chỉ xảy ra trên màn ảnh, nhà tranh đấu Trần Quang Thành hiện đang chờ ngày sang Hoa Kỳ.


Ảnh hai vợ chồng nhà vật lý vũ trụ Fang Lizhi (Phương Lệ Chi) được chiếu trên truyền hình nhà nước Trung Quốc vào tháng 6, 1989, cảnh báo không để cho trốn mất, sau vụ đàn áp đẫm máu ở Thiên An Môn. Vị giáo sư phản kháng này lúc đó đang trốn trong tòa đại sứ Mỹ, sau khi vào, rồi trở ra, rồi lại quay lại vào tòa đại sứ. (Hình: AFP/AFP/Getty Images)



Tin tức mới nhất cho hay phía Hoa Kỳ mong muốn Bắc Kinh hoàn tất thủ tục để ông Trần cùng gia đình xuất cảnh “trong thời gian sớm nhất”, và điểm đến kế tiếp của ông sẽ là thành phố New York, nơi ông được đại học NYU mời làm nghiên cứu về luật pháp. Trường đại học này không cho biết nhiều về quyết định của họ, chỉ nói ông Trần “có mối quan hệ sâu xa” với một số giáo sư đang giảng dậy ở trường.

Sự kiện luật sư khiếm thị Trần Quang Thành trốn được vào Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh hồi cuối tháng trước để xin được bảo vệ an toàn cho cá nhân và gia đình trước khi ông thay đổi ý kiến xin sang Mỹ đã khiến mọi người nhớ lại câu chuyện xảy ra hồi Mùa Hè 1989, khi nhà khoa học Fang Lizhi (Phương Lệ Chi) chạy vào tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đúng một ngày sau cuộc thảm sát xảy ra ở quảng trường Thiên An Môn hôm mùng 4 Tháng Sáu, yêu cầu các nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ bảo vệ tính mạng cho ông và cho gia đình.

Giáo sư Fang là một nhà vật lý vũ trụ, thân cận với giới sinh viên tranh đấu, và bị nhà cầm quyền cho là đứng sau cuộc biểu tình tại Thiên An Môn.

Nhân viên tòa đại sứ Mỹ “vừa không vui, vừa khéo léo, niềm nở khi thấy ông Fang Lizhi”, cho dù “họ nói sẵn lòng giúp đỡ ông”, theo lời Giáo Sư Perry Link, một chuyên gia về Trung Quốc đang giảng dạy tại Ðại Học Princeton vừa cũng là người đi cùng với gia đình ông Phương Lệ Chi vào trong sứ quán. Giáo Sư Link cũng nhớ các viên chức ngoại giao Mỹ bảo rằng theo đúng thủ tục ngoại giao, họ “chỉ có thể nhận đơn xin đi Mỹ” và phải đợi đến khi đặt chân tới Hoa Kỳ “lúc đó ông Fang mới có thể xin tỵ nạn chính trị”.

Trước lời giải thích như thế, ông Fang cùng vợ là bà Li Shuxian và cậu con trai hiểu việc đầu tiên họ phải làm là điền vào tờ đơn xin visa nhập cảnh vào Mỹ, y hệt như đơn xin của tất cả những người muốn sang Mỹ với lý do đi du lịch, trong lúc các viên chức Hoa Kỳ bàn thảo với nhau để tìm giải pháp vừa có thể giúp ông Fang vừa tránh được những trở ngại có thể xảy ra cho quan hệ hai nước. Cùng lúc đó, các viên chức sứ quán Mỹ gửi bản báo cáo đặc biệt về Washington D.C. để tham khảo ý kiến “xem phải giải quyết việc này như thế nào”. Theo một số bài báo đã được đăng tải, đích thân Ðại Sứ James Lilley đánh máy và gửi bản báo cáo trong đó có đoạn yêu cầu “xin trả lời càng sớm càng tốt”.

Không chỉ các viên chức Mỹ, ngay chính ông Fang Lizhi “cũng e ngại sự hiện diện của ông trong sứ quán Mỹ sẽ khiến giới lãnh đạo Trung Quốc nghĩ rằng điều họ đoán có bàn tay của Mỹ nhúng vào cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ là đúng, và như thế sẽ làm xấu hẳn cuộc tranh đấu tự phát của tập thể thanh niên sinh viên Hoa Lục”, Giáo Sư Link kể tiếp. Vì thế sau khi nói chuyện xong với các viên chức Mỹ, ông Fang cho mọi người biết “không cần sự giúp đỡ của người Mỹ nữa, cho dù cá nhân ông Fang cũng chưa rõ phải làm gì để bảo toàn an ninh cho cả gia đình”, vì lúc đó Bắc Kinh đã ra lệnh truy nã ông cùng một số sinh viên khác về tội kích động biểu tình chống đảng và chống nhà nước.

Sau cuộc tiếp xúc khá ngắn ngủi đó, cả gia đình ông Fang rời Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ, tạm trú qua đêm ở một khách sạn nằm gần đó. Căn phòng ông ở là căn phòng bỏ trống của một nhà báo làm việc cho tờ The Washington Post. Nhớ lại chuyện này, một trong những nhà ngoại giao trong toán tiếp xúc với ông Fang kể lại “Chúng tôi không hề đuổi ông ta ra khỏi sứ quán, cũng chẳng ai muốn bỏ rơi ông ta cả, chỉ muốn ông Fang và gia đình có thì giờ bàn thảo, suy nghĩ thật kỹ những gì họ muốn làm”.

Các viên chức Hoa Kỳ đã nói những gì với ông Fang Lizhi? Viên chức ngoại giao yêu cầu không được nêu tên này cho hay “Chúng tôi trình bày cho ông ta hiểu chuyện không đơn giản như ông ta nghĩ đâu”, nhắc lại những kinh nghiệm ngoại giao mà nước Mỹ đã phải trải qua khi đón nhận một nhà tranh đấu. Trong số những điều được trình bày với gia đình ông Fang, “có cả chuyện Ðức Hồng Y người Hung Jozsef Mindszenty” từng lên án chế độ cộng sản tàn bạo Stalin, đòi hỏi tự do tôn giáo, bị tra tấn, bỏ tù, sau đó ngài sống âm thầm trong Ðại Sứ Quán Mỹ ở Budapest 15 năm trời cho đến ngày được rời Hung sang Áo tỵ nạn hồi 1971.

Tại sao lại phải nêu thí dụ như vậy? Một nhà ngoại giao Mỹ khác trả lời “thông thường người chạy vào tòa đại sứ Mỹ xin giúp đỡ thường nghĩ chỉ cần chính phủ Mỹ gật đầu là chuyện sẽ xong, nhưng thực tế hoàn toàn không phải như thế”. Vì vậy, “ngoại giao chúng tôi có cả một danh sách dài những gì có thể xảy ra với người xin tỵ nạn hay xin giúp đỡ, trách nhiệm của chúng tôi là phải trình bày cho họ hiểu rõ chuyện gì sẽ xảy ra” nhấn mạnh “càng rõ càng tốt”.

Ðiều không ai ngờ là báo cáo của Ðại Sứ Lilley được Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia thông báo thẳng cho Tổng Thống George Bush (cha) và đích thân Tổng Thống Bush chỉ thị Ðại Sứ Quán phải cho gia đình ông Fang Lizhi tá túc. Ngay sau khi nhận được chỉ thị này, một viên chức ngoại giao được cử đến khách sạn để báo tin cho ông Fang biết, đồng thời hỏi ông xem ông có muốn trở lại tòa đại sứ hay không. Ông Fang gật đầu, bằng lòng trở lại sứ quán Mỹ vào lúc nửa đêm.

Ông Fang và bà vợ sống trong sứ quán Mỹ 13 tháng, nơi cư trú của họ là một căn phòng rất nhỏ không có cửa sổ, từng được dùng làm bệnh xá cho các nhân viên sứ quán. Họ sống bí mật tới độ trong quyển hồi ký, Ðại Sứ Lilley cho hay “chỉ có 6 người biết nơi ở tạm của 2 công dân Trung Quốc đang tỵ nạn trong sứ quán”. (Gia đình ông Fang có 3 người, nhưng cậu con trai sống vài ngày sau đó bỏ ra đi học trở lại -có lẽ vì không chịu nổi cảnh gò bó. Chính quyền Bắc Kinh để yên cho cậu ta, không hạch sách gì cả.)

Cuộc vận động ngoại giao để Trung Quốc cho vợ chồng ông Fang Lizhi rời Bắc Kinh cũng chẳng dễ dàng. Rất nhiều viên chức của Mỹ được gửi từ Washington D.C. sang Bắc Kinh dàn xếp chuyện này -kể cả cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger. Các cựu viên chức ngoại giao Mỹ cho biết trở ngại lớn nhất là “phải vận động ông Ðặng Tiểu Bình” vì người lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc cho rằng ông Fang Lizhi là người giật dây cuộc biểu tình chống đối đảng ở Thiên An Môn, và ông Ðại Sứ Mỹ Lilley bị kết tội “lợi dụng chức vụ và sự dễ dãi của chính phủ cùng nhân dân Trung Quốc để làm công tác nối giáo cho giặc”.

Theo điều kiện ông Ðặng Tiểu Bình đưa ra, nhà tranh đấu Fang Lizhi “phải viết bản tự kiểm điểm nhìn nhận những sai lầm”. Thoạt đầu ông Fang nhất định không chịu, và cuộc điều đình kéo dài đến hơn 1 năm trời chỉ kết thúc sau khi ông Fang đồng ý “nhận lỗi”. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản cũng gián tiếp nhảy vào can thiệp giúp: Ðồng ý tiếp tục các khoản viện trợ bị gián đoạn sau ngày Bắc Kinh dùng quân đội bắn giết sinh viên biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn, để đánh đổi lấy điều mà các nhà ngoại giao vẫn gọi là “giải quyết vấn đề Fang Lizhi”.

Sau khi rời Trung Quốc, trạm dừng chân đầu tiên của vợ chồng ông Fang Lizhi là Anh Quốc -vì ông Ðặng Tiểu Bình và giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc không chấp nhận cho đi Mỹ. Ông làm việc một thời gian ngắn ở Ðại Học Cambridge, trước khi sang Hoa Kỳ giảng dạy môn vật lý tại đại học University of Arizona ở Tucson.

Ông qua đời tại nhà riêng ngày 6 Tháng Tư 2012, hưởng thọ 76 tuổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét