Trang

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2012

Aung San Suu Kyi thắng lớn

YANGON, Myanmar (AP) -Bà đã tranh đấu cho Myanmar tự do suốt một phần tư thế kỷ, hầu hết thời gian đó bị nhốt trong nhà mình. Nay, người đấu tranh bất bạo động, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, lần đầu tiên sẽ trở thành một người dân cử.

Aung San Suu Kyi, 66 tuổi, đắc cử vào Quốc Hội hôm Chủ Nhật trong một cuộc đầu phiếu lịch sử, một sự kiện mà người dân Myanmar hy vọng sẽ là bước ngoặt ra khỏi chế độ quân nhân chấp chánh.




Một người ủng hộ đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi trương cờ bên ngoài trụ sở đảng này ở Yangon, Myanmar hôm Chủ Nhật. Bà Suu Kyi được cho là thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội. (Hình: AP Photo)



Bên ngoài trụ sở ở Yangon của đảng Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ (NLD) của bà Suu Kyi, người ủng hộ hò reo, có người bật khóc.

“Thắng rồi! Thắng rồi!” người ủng hộ hò reo, đứng chật kín cả đường xe đi. “Ðây là thắng lợi của người dân! Chúng ta đã dạy cho họ một bài học!” một người tên Thien nói. Ông nằm trong số hàng ngàn người đứng bên ngoài xem bảng thông báo đưa tin bà Suu Kyi thắng cử ở địa hạt Kawhmu, phía Nam thủ đô Yangon.

Nếu kết quả này được chính thức công nhận, cuộc bầu cử này cũng là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ từng là một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất thế giới. Chỉ trong 17 tháng, bà Suu Kyi đã biến từ nhà tranh đấu thành một dân biểu, mở đường để tranh cử tổng thống năm 2015.

Chính Myanmar cũng thay đổi nhiều trong một thời gian ngắn. Giới quân đội chịu nhượng quyền năm ngoái, và mặc dù nhiều viên tướng chỉ đổi áo lính sang áo thường, họ cũng làm nhiều người ngạc nhiên khi thả tù chính trị, giảng hòa với phiến quân, giảm kiểm duyệt báo chí và đối thoại trực tiếp với Suu Kyi.

Cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật nhằm lấp 45 ghế trống trong Quốc Hội. Phía đối lập tiên đoán họ sẽ thắng 40 trong số 45 ghế. Toàn bộ Quốc Hội Myanmar có 664 dân biểu. Trong kỳ bầu cử 2010, quân đội được chia 25% số ghế và đảng cầm quyền chiếm hầu hết ghế còn lại.

Malgorzata Wasilewska, cầm đầu toán quan sát viên EU, đánh giá cuộc bầu cử ở đây là “cũng đủ đáng tin,” nhưng không xác nhận là công bằng. Bà nói, “Ở các phòng phiếu tôi ghé thăm, tôi thấy có nhiều việc làm tốt và nhiều thiện chí, và điều đó quan trọng.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét