Tiền công đức do thập phương bá tánh đến tiến cúng với mục đích cầu phước và để đóng góp xây dựng, trùng tu chùa, bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh. Đứng về mặt “đời”, tiền công đức là một loại công quỹ cần được công khai số thu và cách chi dùng rõ ràng. Nếu công quỹ này bị lạm dụng, mất mát, những vị có chức sắc trong công tác quản lý phải gánh trách nhiệm. Đứng về mặt “đạo”, tiền công đức, cúng dường vào các đền chùa phải được dùng vào việc ích lợi chung cho nhà chùa và xã hội, như tu bổ, sửa chữa đền điện, tăng phòng và tham gia từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ neo đơn, bệnh tật...
Thế nhưng, nhiều trường hợp những đồng tiền này bị thất thoát hoặc bị đánh cắp, bị sử dụng không đúng mục đích. Có trường hợp tiền công đức từ hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng đã bị mất cắp, như ở chùa Hàm Long mất tới 4 tỉ đồng hay một cán bộ xã ở Hải Dương đã biển thủ 300 triệu đồng tiền công đức ở khu di tích An Phụ...
Quầy thu tiền cúng cầu an ở chùa Tàu (còn gọi là miếu Bà Thiên Hậu, ở quận 5 Sài Gòn). (Photo VB)
Vừa qua, nhân sự kiện Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch giao Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN làm đề án nghiên cứu việc quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự, v.v…, PGS.TS Lương Hồng Quang (phó viện trưởng viện này) đã trao đổi với báo giới như sau: “Hiện nay ai cũng biết số lượng tiền công đức rất lớn nhưng không ai nắm được, nên cũng không biết việc chia sẻ lợi ích được thực hiện như thế nào. Cũng từ đó mà xảy ra hiện tượng lợi dụng công đức để tư lợi, xuất hiện rất nhiều đền phủ tư nhân hay các “công ty” tôn giáo tâm linh. Hệ thống đền phủ tư nhân không ai đăng ký, không bị quản lý. Ai cũng biết nó có tồn tại nhưng không ai kiểm soát được nó cả.
Như miếu Bà chúa Xứ An Giang, thu tiền công đức mỗi năm hàng chục tỉ đồng, nhưng cơ chế quản lý của họ rất rõ. Trong khi đó, một số nơi ở phía Bắc, chính quyền địa phương nảy ra cơ chế khoán, tức là đặt ra định mức mỗi ngày thu được bao nhiêu, tháng thu về bao nhiêu theo kiểu “lời ăn lỗ chịu” của làm ăn kinh tế.
Hố nhận tiền bá tánh cúng dường để trùng tu chánh điện chùa Đầu Sấu (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). (Photo VB)
Nhà nước đang đứng vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Bởi vì về nguyên tắc phải được công nhận một đơn vị sản xuất kinh doanh hay đứng trong một danh mục nghề nghiệp mới có thể thu thuế. Nếu công nhận nó là một nghề thì vô hình trung đã khuếch trương nó lên. Đây thực chất là một nghề phi chính thức. Trong khi đó về nguyên tắc, những nơi có nguồn thu thì phải đóng thuế.Cũng chính việc thu thuế lại đẻ ra rắc rối mới là mâu thuẫn giữa các đối tượng sở hữu. Do chúng ta có quá nhiều chủ thể quản lý nên nếu áp dụng một hình thức đánh thuế thì ai sẽ là người đóng thuế, ai sẽ là pháp nhân đóng thuế, các vị trụ trì cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, ban quản lý di tích hay chính quyền địa phương? Nhưng từ những hiện tượng này có thể thấy tiền công đức là cái máy đẻ ra tiền. Tuy nhiên nó cũng là nguyên nhân của sự xung đột lợi ích. Không ít người nhận ra việc kinh doanh tôn giáo tín ngưỡng mang đến nguồn lợi cực kỳ lớn.
Cái khó hiện nay là quan điểm xử lý vấn đề và sự vào cuộc của các bên liên quan. Công đức là vấn đề nhạy cảm và chưa hề được xử lý ở bình diện quản lý nhà nước. Dù ở mức độ thu thuế hay ở mức độ minh bạch hóa các nguồn tiền công đức thì cũng cần phải xác định rõ bản chất câu chuyện quản lý ở đây là không làm khó dân mà tạo hành lang pháp lý cho mọi tổ chức, cá nhân khi công đức, hay các cơ sở nhận công đức đều rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình, góp phần bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội trên một tinh thần minh bạch, hiệu quả, cân bằng lợi ích của các bên liên quan”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét