Buổi nói chuyện của chương trình
Từ Cánh Đồng Mây
Từ Cánh Đồng Mây
“HỘI NGỘ CỦA NHỮNG VÌ SAO”
với
LS TRẦN LÂM - LS TRẦN THANH HIỆP - LS NGUYỄN XUÂN PHƯỚC
Xin bấm link để nghe
CHỈNH ĐỐN ĐẢNG LÀ “CHUYỆN CŨ CHÉP LẠI”
Luật Sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Toà Án Nhân Dân Tối Cao, nguyên trưởng ban tuyên giáo tỉnh và hiệu trưởng trường Đảng trong nhiều chục năm.
Ông được biết đến trong các vụ tranh cãi có liên quan đến dân chủ nhân quyền trong nước. Luật sư Trần Lâm vừa có bài viết nhận định tình hình chính trị hiện nay
(Trần Lâm: Sự thay đổi đã đến gần với nhiều chi tiết đang gây sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước).
Chúng tôi đã theo dõi nhiều những đại hội như thế rồi, chỉnh đốn đảng rồi cải tiến cái nọ cái kia. Những kiểu hội nghị như thế vẫn làm, rất long trọng, nhưng rồi không nói cụ thể làm thế nào, chỉ nói những câu công thức. Chuyện cũ chép lại.
Nếu các ông cầm quyền hiện nay phê phán, tôi mạnh dạn xin nói tôi là người làm những việc này mấy chục năm rồi. Nhưng đọc xong, tôi cũng chả hiểu làm như thế nào.
Lòng tin của nhân dân lung lay đã từ lâu chứ có phải hôm nay mới lung lay. Mất lòng tin vào Đảng, mất lòng tin đảng viên. Chính đảng viên cũng không tin lãnh đạo. Người ta nói chuyện đó từ lâu. Bây giờ có nói cũng chỉ là nói lại thôi. Bây giờ người ta còn nói đảng viên ‘nhạt Đảng’ cơ mà.
Cái đảng hiện nay là cái đảng cầm quyền chứ làm gì có đảng cộng sản. Đảng ấy theo chủ nghĩa nào, đường lối nào, không thấy nói.
Những kiểu hội nghị thế này, chúng tôi theo dõi nhiều rồi. Tôi thấy nhàm chán.
Chỉnh đốn là phải chảy máu, đau lòng khốn khổ. Thế có chỉnh đốn được không? Rõ ràng mình đang ốm đau. Nhưng từ chỗ ốm đau chuyển sang mạnh khỏe là một quá trình khó khăn.
Cái hội nghị này, tôi chưa đọc kỹ nội dung của nó mà đã nói, như thế tôi sai phạm, nói không căn cứ. Nhưng từ kinh nghiệm mấy chục năm nay, tôi cho đấy chỉ là sáo rỗng.
LS Trần Thanh Hiệp
Song song với các hoạt động cho dân chủ tại Việt Nam của những người ở trong nước, nhiều người Việt hải ngoại quan tâm đến vấn đề dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đóng góp vào công cuộc tranh đấu này trong nhiều lãnh vực khác nhau. Một trong các nhân vật đó là luật sư Trần Thanh Hiệp, người từng giữ những chức vụ quan trọng trong chính quyền miền Nam trước năm 1975, và hiện nay là Chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền có trụ sở tại Paris. Ông cũng là tác giả của nhiều bài khảo cứu và bình luận về nhân quyền và thực trạng nhân quyền tại Việt Nam. Luật sư Trần thanh Hiệp sinh năm 1927 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Công Pháp, Đại Học Aix Marseille và Cao Đẳng Chính Trị Học, Đại Học Paris II. Ông từng là luật sư Tòa Thượng Thẩm Saigon và Tòa Thượng Thẩm Paris.
Sau năm 1975, ông định cư tại Pháp, và từng là chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Hải Ngoại trong nhiều năm. Trong vai trò này ông đã cùng Văn Bút Quốc Tế đấu tranh để cho nhiều văn nghệ sĩ được trả tự do. Luật sư Trần Thanh Hiệp mô tả công việc mà ông đang thực hiện với tư cách là chủ Tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Nam về Nhân Quyền có trụ sở tại Paris:
LS TRẦN THANH HIỆP: Công việc chính của chúng tôi là nghiên cứu về luật quốc tế về nhân quyền rồi phổ biến những quy phạm về nhân quyền cũng như là về chính sách áp dụng nhân quyền, thăng tiến nhân quyền của luật quốc tế, và giúp tất cả các tổ chức, hội đoàn của người Việt đang tranh đấu cho nhân quyền để hỗ trợ cho cuộc tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam ở trong nước. Và thứ hai là chúng tôi đang cùng một số anh em tại Paris và các nơi khác ấn hành một tạp chí văn hóa, chính trị, khoa học mang tên là viễn tượng Việt Nam chú trọng về mặt nghiên cứu tư tưởng chính trị và ấn hành một năm hai lần.
GIÁ TRỊ PHÁP LÝ VÀ TÍNH CHÍNH THỐNG CỦA HIẾN PHÁP VIỆT NAM HIỆN NAY
LS Nguyễn Xuân Phước
Lời Nói Ðầu
Bài viết nầy có mục đích tái khám phá những giá trị cơ bản của hiến pháp 1946 và tra xét lại giá trị của hiến pháp hiện nay của nước cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam dựa vào cơ sở của hiến pháp 1946. Nếu hiến pháp 1946 là một hiến pháp hợp pháp khai sinh ra nưóc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, thì nguyên tắc lập hiến đòi hỏi các hiến pháp kế thừa của hiến pháp 1946 phải tuân thủ các điều khoản căn bản của hiến pháp 1946. Khi tra xét lại thủ tục ban hành hiến pháp 1959 chúng ta thấy rằng thủ tục ban hành hiến pháp này và các hiến pháp sau đó đã không tuân thủ qui định của hiến pháp 1946 về việc thay đổi hiến pháp. Một khi hiến pháp kế thừa không tuân thủ các điều khoản lập hiến của hiến pháp mẹ thì hiến pháp kế thừa đó bất hợp hiến, bất hợp pháp và không có giá trị chính thống.
I. Những Ý Niệm Căn Bản Về Hiến Pháp
Hiến pháp là bộ luật tối cao của một quốc gia định nguyên tắc tổ chức guồng máy công quyền để thực hiện mục đích xây dựng một xã hội trong đó dân làm chủ đất nước nhằm bảo đảm dân quyền và nhân quyền của công dân, và đồng thời bảo đảm tính chất ổn định, chính thống và hợp pháp của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền nào không thực thi hiến pháp, phản bội các điều khoản của hiến pháp, nhà cầm quyền ấy tự mình chấm dứt giá trị pháp lý và tính chính thống về giá trị quyền lực lãnh đạo quốc dân. 1
Ðể xác định quyền làm chủ đất nước của nhân dân, hiến pháp luôn luôn phải được toàn thể nhân dân chấp thuận và mọi sự thay đổi hiến pháp phải luôn luôn được toàn thể nhân dân quyết định bằng lá phiếu. Hiến pháp gọi đó là quyền phúc quyết. Quyền phúc quyết cộng với các quyền tự do ứng cử và bầu cử, quyền bình đẳng cơ hội về quyền lợi và nghĩa vụ kính tế chính trị văn hoá, và các quyền công dân khác xác định nhân dân là chủ nhân ông của đất nước. Khi nhân dân được phúc quyết hiến pháp hay được tự do ứng cử và bầu cử đó là lúc họ thực sự hành sử quyền làm chủ đất nước của mình.
II. Sự Ra Ðời Của Hiến Pháp 1946
Năm 1946, Quốc Hội dân cử đầu tiên đã được bầu lên bằng một cuộc phổ thông đầu phiếu đầu tiên của đất nước ta. Sau đó quốc hội được bổ xung thêm các dân biểu là những nhân sĩ và các nhà cách mạng chống Pháp không Cộng Sản. Quốc hội đầu tiên nầy tập hợp được nhiều thành phần xã hội và đảng phái chính trị có những xu hướng khác nhau. Ngoài các nhà cách mạng tả phái mà đại diện là các ông Hồ chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Ðồng, có sự tham dự của các nhà cách mạng tiên khởi thời Phan Bội Châu như cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng với các nhà cách mạng hữu phái như các ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Trần Trung Dung vv… [2] [3] [4].
Sau đó, Quốc Hội đã bầu ra một Ủy Ban Dự Thảo Hiến Pháp đã gồm 11 người, thuộc mọi thành phần, là đại biểu của các tổ chức, đảng phái chính trị và các tầng lớp nhân dân khác nhau do ông Hồ Chí Minh chủ trì.
Ngày 9 tháng 11 năm 1946, Quốc Hội Việt nam đã thông qua hiến pháp đầu tiên cho một nước Việt Nam độc lập.
Về phần nội dung, Hiến Pháp 1946 đã qui định những quyền căn bản của công dân trong đó có quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa (điều 6), quyền bình đẳng trước pháp luật (điều 7), quyền tự do ứng cử và bầu cử (điều 18), nhân dân có quyền phúc quyết về hiến pháp (điều 21). Hiến pháp 1946 còn đi xa hơn bằng cách cho phép những người ngoại quốc tranh đấu cho tự do dân chủ mà phải trốn tránh được cư ngụ trên đất Việt nam (điều 16).
Quan trọng nhất là không nó không hề có một điều khoản nào qui định là một đảng phái nào hay một ý thức hệ nào là độc tôn và độc quyền lãnh đạo đất nước như các bản hiến pháp sau này của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà hay Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. [5]
Ðứng trên phương diện lịch sử, hiến pháp 1946 là cơ sở pháp lý khai sinh nước Việt Nam độc lập sau hơn 80 năm bị mất chủ quyền về tay thực dân Pháp. Vì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ sau khi quốc hội thông qua hiến pháp nên hiến pháp 1946 không được chính thức công bố và cuộc tổng tuyển cử nghị viện nhân dân không được thi hành. Tuy nhiên, theo tài liệu của đảng Cộng Sản thì chính phủ và ban thường vụ quốc hội luôn luôn dựa vào tinh thần và nội dung hiến pháp 1946 để điều hành mọi hoạt động trong nước [5] . Và hiến pháp đó có giá trị cho đến năm 1960 khi hiến pháp 1959 được ban hành.
Tài liệu Ðảng Cộng Sản cũng đánh giá như sau:
Hiến pháp 1946 là một bản hiến pháp cô đúc, khúc chiết, mạch lạc và dễ hiểu với tất cả mọi người. Nó là bản hiến pháp mẫu mực trên nhiều phương diện. [6]
Mặc dù chính phủ kháng chiến ra đời không theo thủ tục của hiến pháp vì hoàn cảnh chiến tranh, và mặc dù những điều khoản của hiến pháp đã bị nhà nước vi phạm, chúng ta có thể xác định được rằng chính phủ đã công nhận hiến pháp 1946 là khế ước hợp pháp giữa quốc dân Việt và nhà cầm quyền đương thời. Hiến pháp 1946 xác định những giá trị căn bản về văn hoá, chính trị và kinh tế và biến những giá trị đó thành những lý tưởng và hoài vọng dân tộc mà thế hệ 1945 đã hy sinh xương máu để chiến đấu và bảo vệ. Ðồng thời nó xác định nhân dân là chủ nhân ông tuyệt đối của đất nước.
Do đó, hiến pháp 1946 là một hiến pháp tốt, có giá trị pháp lý, và là nền tảng pháp lý ắt có và đủ để xây dựng nước Việt Nam mới, tự do dân chủ và độc lập. Hiến pháp đó là nền tảng pháp lý cho mọi thay đổi pháp lý của các hiến pháp kế thừa.
III. Cái Chết Oan Khiên Của Hiến Pháp 1946 và Tính Chất Bất Hợp Pháp của Các Hiến Pháp Kế Thừa
Xác định tính cách hợp pháp và hợp lý của hiến pháp 1946 để nhấn mạnh một điểm là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (cho đến năm 1980) và nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (từ năm 1980 cho đến nay) đều phải mang tính kế thừa và mang tính liên tục về mặt pháp lý, tinh thần và nội dung của hiến pháp 1946.
Sau năm 1946, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có thêm tất cả là ba hiến pháp. Các hiến pháp tuần tự ra đời trong các năm sau đây: 1959 ban hành năm 1960, 1980 và 1992.
Tài liệu đảng Cộng Sản viết về thủ tục ra đời của hiến pháp 1959, là bản hiến pháp kế thừa trực tiếp bản hiến pháp 1946, như sau:
“Hiến pháp 1946, hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước ta đã hoàn thành sứ mệnh của nó, nhưng so với tình hình và nhiệm vụ cách mạng mới nó cần được bổ sung và thay đổi. Vì vậy, trong kỳ họp lần thứ sáu, Quốc Hội nước Việt nam Dân Chủ Cộng hoà khoá I đã quyết định sửa đổi hiến pháp 1946 và thành lập ban dự thảo hiến pháp sửa đổi.”
Tài liệu này viết tiếp:
“Sau khi làm xong bản dự thảo đầu tiên, tháng 7 năm 1958 bản dự thảo đã được thảo luận trong các cán bộ trung cấp và cao cấp thuộc các cơ quan quân dân, chính, Ðảng. Sau đợt thảo luận này, bản dự thảo đã được chỉnh lý lại vào ngày 1 tháng 4 năm 1959 đem công bố để toàn dân thảo luận và đóng góp ý kiến xây dựng. Cuộc thảo luận nầy làm trong bốn tháng liền tại khắp nơi trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học và các tổ chức khác của nhân dân, ở thành thị và nông thôn, việc nghiên cứu và thảo luận dự thảo hiến pháp tiến hành sôi nổi và đã trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi có đủ các tầng lớp nhân dân tham gia.”
Tài liệu trên kết luận về phần thủ tục thay đổi hiến pháp năm 1959 như sau:
“Ngày 18-12-1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I, chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi. Ngày 31-12-1959, quốc hội đã nhất trí thông qua Hiến pháp sửa đổi và ngày 1-1-1960 Chủ tịch ký sắc lệnh công bố hiến pháp.” [7]
Khi bàn về hiến pháp 1959, tài liệu của ÐCSVN viết như sau:
“Hiến pháp 1959 là sự kế thừa và phát triển của hiến pháp 1946 trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.”[7]
Những trích dẫn kể trên cho thấy nhà nước tự ý tuyên bố là Hiến Pháp 1946 đã “hoàn thành sứ mệnh” của nó mà không nói rõ ràng thế nào là “sứ mệnh của hiến pháp” và thế nào là “hoàn thành.” Trong hiến pháp 1946 không hề có điều khoản nào xác định “sứ mệnh của hiến pháp” và ấn định rằng khi hiến pháp “hoàn thành” sứ mệnh của nó thì giá trị thi hành của hiến pháp phải bị chấm dứt.
Thế thì, lý do khai tử hiến pháp 1946 hoàn toàn vô căn cứ. Cái chết của hiến pháp 1946 là một cái chết oan khiên, cái chết ngụy tạo. Hiến pháp 1946 đã bị ÐCSVN xé bỏ một cách tức tưởi vì hiến pháp 1959 không có lý do chánh đáng và hợp pháp để thay thế hiến pháp 1946.
Hơn nữa, vì nhà nước xác nhận hiến pháp 1959 là hiến pháp kế thừa của hiến pháp 1946 và đã cam kết điều hành đất nước theo tinh thần và nội dung của hiến pháp 1946 nên sự thay đổi hiến pháp cũng phải tuân thủ yêu cầu của hiến pháp 1946.
Thủ tục thay đổi hiến pháp năm 1959 theo tài liệu của chính Ðảng Cộng Sản đã chứng minh sự ra đời của hiến pháp 1959 đã không theo đúng nguyên tắc qui định trong điều 70 của hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 qui định rõ ràng, minh bạch, ngắn gọn và dễ hiểu là những thay đổi hiến pháp phải được nhân dân phúc quyết.
Ðiều 70 của Hiến Pháp 1946 liên quan đến vấn đề thay đổi hiến pháp viết rằng:
“Sửa đổi hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
a) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
b) Nghị viên bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
c) Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Trong khi đó, điều 112 quy định thủ tục SỬA ÐỔI HIẾN PHÁP của hiến pháp 1959 được viết như sau:
Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.
Như vậy, với hiến pháp 1959, nhà cầm quyền đã loại hẳn vai trò phúc quyết của nhân dân.
Việc đem dự thảo hiến pháp ra cho “toàn dân” thảo luận và đóng góp ý kiến “một cách sôi nổi” là một thủ tục tốt, nhưng hoàn toàn không có giá trị pháp lý. Hiến pháp 1946 không đòi hỏi nhân dân phải thảo luận và đóng góp ý kiến một cách… sôi nổi. Hiến pháp 1946 đòi hỏi nhân dân phải có quyền phúc quyết mọi thay đổi hiến pháp. Thủ tục phúc quyết này cần được hiểu là phải được thực hiện qua một cuộc trưng cầu dân ý (referendum) tự do để thể hiện sự chấp thuận của toàn dân. [8]
Các Hiến pháp từ năm 1959 trở đi đã loại bỏ hẳn vai trò phúc quyết của nhân dân trong thủ tục thay đổi hiến pháp. Vì quyền phúc quyết những thay đổi hiến pháp xác định quyền làm chủ đất nước của nhân dân, do đó, khi nhân dân không còn quyền phúc quyết hiến pháp, thì quyền làm chủ đất nước đã bị đã bị tước đoạt. Chúng ta có thể kết luận rằng, cái chết của hiến pháp 1946 đánh dấu một giai đoạn lịch sử mà người dân Việt Nam đã bị cướp đoạt quyền làm chủ đất nước.
Vì sự thể điều 70 hiến pháp 1946 qui định thủ tục pháp lý của sự thay đổi hiến pháp,
Vì sự thể lý do sửa đổi hiến pháp có tính chất ngụy tạo,
Vì sự thể thủ tục sửa đổi hiến pháp để cho ra đời hiến pháp 1959 đã vi phạm nghiêm trọng điều 70 nầy,
Vì sự thể hiến pháp 1959 tước đoạt quyền sửa đổi hiến pháp của nhân dân Việt Nam
Chúng ta có thể khẳng định rằng, các hiến pháp từ 1959 trở đi đã phản bội lý tưởng và ước vọng của dân tộc ở đỉnh cao nhất của lòng yêu nước của thế hệ thanh niên và nhân dân ở thời đại 1945.
Ðồng thời, hiến pháp 1959 cùng các hiến pháp xuất hiện sau đó hoàn toàn bất hợp hiến và bất hợp pháp vì không có tính kế thừa và tính liên tục về mặt pháp lý, tinh thần và nội dung của hiến pháp 1946. Do đó, các hiến pháp kế thừa không có năng lực pháp lý để xác định tính chất hợp pháp và chính thống của nhà cầm quyền.
IV. Lối Ra và Lối Về
Vì quyền phúc quyết của nhân dân về mọi thay đổi hiến pháp xác định quyền làm chủ đất nước, sự thể đảng Cộng Sản Việt Nam ngang nhiên dùng hiến pháp 1959 để bãi bỏ quyền phúc quyết trong thủ tục lập hiến của người dân là hành vi tước đoạt quyền dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Nhận định về tính chất dân chủ của thủ tục lập hiến của nước ta hiện nay, luật sư Nguyễn Văn Thảo, cố vấn pháp luật của quốc hội và bộ chính trị ÐCSVN, trình bày trong bài viết “Soạn thảo, sửa đổi hiến pháp, và thực hiện bảo vệ hiến pháp” đăng trong Tạp Chí Cộng Sản số 12 tháng 6-2001, cho rằng thủ tục lập hiến của các hiến pháp xuất hiện sau hiến pháp 1946 không có tính cách dân chủ. Trong bài nầy Luật Sư Thảo đã có những nhận định về thủ tục soạn thảo hiến pháp 1946, 1959, 1980, 1992 như sau:
“Thực tiễn nước ta có hai công thức soạn thảo (hiến pháp):
“Ban soạn thảo hiến pháp + trưng cầu dân ý (hiến pháp 1946)
“Ban soạn thảo hiến pháp + hỏi ý kiến nhân dân (hiến pháp 1959, 1980, 1992)
Trong hai công thức trên, tổ chức trưng cầu dân ý là một thành tựu về phát huy dân chủ trực tiếp, thực chất là để từng công dân tham gia trực tiếp vào việc thông qua hiến pháp.
Công thức thành lập Ủy Ban soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân rồi trình lên Quốc Hội thông qua thì việc lấy ý kiến nhân dân khác hẳn với trưng cầu ý dân. Tập hợp ý kiến của nhân dân để chỉnh lý bản dự thảo Hiến Pháp, công dân không được tỏ thái độ trực tiếp với dự thảo Hiến Pháp, không tham gia việc thông qua Hiến Pháp.” [10]
Một thủ tục soạn thảo hiến pháp mà “công dân không được tỏ thái độ trực tiếp với dự thảo Hiến Pháp, không tham gia việc thông qua Hiến Pháp” xác định tính chất mất dân chủ của hiến pháp nầy. Ðó là trường hợp ra đời của các hiến pháp 1959, 1980 và 1992. Ðồng thời đó là lời xác minh sự vi phạm trầm trọng điều 70 của hiến pháp 1946 về nguyên tắc trưng cầu dân ý những thay đổi hiến pháp.
Với lý luận hiến pháp, luật sư Thảo muốn thay mặt ÐSCVN khéo léo nhắn nhủ với nhân dân rằnghiến pháp hiện nay hoàn toàn không có tính chất dân chủ, vì trên cơ sở điều 70 của hiến pháp 1946, những hiến pháp sau này không hợp hiến và hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Một chế độ hợp pháp không thể được xây dựng trên một hiến pháp bất hợp pháp. Ðây là khủng hoảng hiến pháp lớn nhất trong mọi khủng hoảng hiến pháp liên quan đến giá trị chính thống (legitimacy) của chế độ.
Mặt khác, sư hiện diện của các đảng phái không Cộng Sản trong việc hình thành hiến pháp 1946 cho thấy rằng có một mối tương quan chặt chẽ giữa tinh thần dân chủ đa nguyên và hiến pháp 1946. Nếu hiến pháp 1946 thể hiện những lý tưởng và ước vọng của thế hệ 1945 về một tổ quốc độc lập, về một thể chế dân chủ đa nguyên, là biểu tượng sự đoàn kết của toàn dân trong công cuộc đấu tranh chống Pháp, là đỉnh cao của các phong trào cách mạng từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, và phong trào Cộng Sản yêu nước thì cái chết của nó là sự phản bội toàn bộ lý tưởng của thế hệ 1945 và của nhân dân Việt Nam.
Do đó, muốn tái lập tính chính thống lịch sử và pháp lý của chế độ hiện nay, muốn giải trừ chuyên chính, muốn xây dựng một chế độ dân chủ đa nguyên, điều thiết yếu là quốc hội và nhà nước Việt Nam phải trở về với những giá trị của hiến pháp 1946 và mọi thay đổi hiến pháp phải tuân thủ những quy định điều 70 của hiến pháp nầy.
V. Kết Luận
Vì hiến pháp là luật pháp tối cao xác định giá trị pháp lý của nhà nước, do đó, với một hiến pháp không có cơ sở pháp lý như hiến pháp hiện nay, nhà nước không có năng lực pháp lý để tồn tại. Và nhà nước không thể tiếp tục tồn tại và lãnh đạo đất nước trong tình trạng không hợp pháp, không hợp hiến và không có tính chất chính thống.
Ðối với nhân dân Việt Nam, vấn đề không phải là vấn đề thay đổi, chắp vá vài ba chương, hay hai ba điều khoản của hiến pháp hiện nay như ÐCSVN đề nghị, hoặc chỉ bỏ điều 4 hiến pháp như một số nhà đấu tranh dân chủ đề nghị. Những thay đổi hiến pháp chỉ có giá trị khi quyền phúc quyết hiến pháp của nhân dân được tái lập cùng với sự hình thành một ủy ban bầu cử quốc gia độc lập và đa nguyên để bảo đảm cho tính chất trong sáng của các cuộc bầu cử hoặc trưng cầu dân ý theo như tinh thần của hiến pháp 1946.
Khổng Tử viết: “thượng bất chính, hạ tắc loạn.” Trong thời đại dân chủ, một nhà nước không có cơ sở hiến pháp dân chủ hợp pháp và chính thống để chứng minh sự tồn tại của nó là một trường hợp “thượng bất chính” nghiêm trọng nhất của mọi trường hợp “thượng bất chính” và nó sẽ dẫn tới một kịch bản “hạ tắc loạn.”
Chúng ta có thể nhận định được ngay là nỗ lực giải quyết khủng hoảng hiến pháp là đầu mối để tháo gỡ chế độ thượng bất chính hiện nay. Nó sẽ là căn cứ địa hồi sinh dân tộc. Bất kỳ nhân dân một chọn lựa phương cách giải quyết khủng hoảng hiến pháp như thế nào, hoặc quay trở về với hiến pháp 1946 hoặc thực hiện một hiến pháp mới, tất cả đều phải tuân thủ nguyên tắc lập hiến của hiến pháp 1946. Nó sẽ là cơ sở pháp lý ắt có cho sự ra đời của một nước Ðại Việt thời đại 2000. Chỉ có giá trị của hiến pháp 1946 mới có thể tiếp nối giá trị chính thống về lịch sử, phục hồi chỗ đứng lịch sử của các đảng phái cách mạng yêu nước, và bảo toàn giá trị chính thống của cuộc chiến tranh giành độc lập.
Với một hiến pháp xác định quyền làm chủ đất nước của người dân, nhân dân Việt mới có thể hành xử quyền làm chủ đất nước của mình. Từ đó, người dân có thể thực hiện quyền chọn lựa người lãnh đạo đất nước mà không phải qua những cơ quan đề cử của đảng, để đồng tiền của người dân bỏ ra thực hiện những cuộc bầu cử không bị lãng phí, để mọi người cùng nhau xây dựng một xã hội dân sự trên nền tảng chế độ dân chủ pháp trị.
Chỉ có một chính quyền có giá trị chính thống về lịch sử và pháp lý mới có đầy đủ cơ sở vật chất và tinh thần để thực hiện công cuộc phục hưng dân tộc, phục hoạt văn hoá, và bảo toàn lãnh thổ, để tiếp nối sứ mạng cứu quốc tồn chủng của tiền nhân. Cơ sở vật chất và tinh thần đó của dân tộc là sức mạnh để đưa đất nước ra khỏi cơ chế độc đoán trì trệ và ao tù của chuyên chính, để đưa dân tộc Việt vào giai đoạn cất cánh kinh tế toàn dân. Có như thế, nước Ðại Việt của thời đại 2000 mới có thể hoà nhập được với cộng đồng các dân tộc văn minh tiến bộ của nhân loại ở thế kỷ 21, và để rửa mối nhục nghèo đói và lạc hậu của xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét