Trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Hoan hô Bộ trưởng đinh “tặc” Đinh La Thăng !

Sáng ngày 02.4.2012, người dân trong nước cùng thở phào nhẹ nhõm khi được biết báo chí truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin Hai loại phí giao thông: Chưa thu trong năm nay, bản tin cho biết hai loại phí giao thông bao gồm là phí lưu hành vào nội đô và phí hạn chế phương tiện cá nhân đang làm nóng dư luận đã được người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải ông Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định là sẽ chưa tiến hành thu trong năm 2012. Theo ông Bộ trưởng Thăng cho biết lý do chưa thu hai loại phí kể trên vì phải chờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua và tình hình kinh tế còn khó khăn.
Hẳn chúng ta đều biết, tháng 8.2011 ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải lập tức ông Đinh La Thăng được người dân cả nước biết đến là một vị Bộ trưởng xông xáo và đã đưa ra nhiều quyết định mang tính đột phá, mạnh mẽ như một “Tư lệnh ra chiến trường” (lời của ông Thăng). Nhìn chung với những quyết định, hành động cương quyết, dám nghĩ, dám làm của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong thời gian đầu khi mới nhậm chức đã được đông đảo người dân bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình, hy vọng và đánh giá cao. Không ít người còn cho rằng Bộ trưởng Thăng là một Bộ trưởng trẻ có tài, tận tâm, tận lực vì nhân dân.
Thế nhưng thời gian gần đây, với hàng loạt “sáng kiến” khác nhau được Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra lại khiến cho người dân “chưa kịp mừng đã vội lo” và thậm chí nhiều người đã phải “khiếp vía” nếu không nói là quá sợ vì những quyết định kém hiệu quả của ông Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quá xa rời thực tế mang tính chắp vá, manh mún kiểu đẽo cày giữa đường. Ví dụ tháng 10 năm 2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã đề xuất phương án đổi giờ làm, giờ học các trường THPT để giảm ùn tắc giao thông, thử nghiệm trước hết tại Hà Nội và TP.HCM. Hà Nội từ ngày 1 tháng 2 năm 2012, kết quả đến nay sau hơn 02 tháng thực hiện dù giờ đã đổi nhưng tắc đường vẫn không hề giảm. Và gần đây nhất là “sáng kiến” thu các loại phí giao thông: phí bảo trì đường bộ, phí lưu hành phương tiện cá nhân tại năm thành phố đã là gây xôn xao dư luận và khiến cho không ít người hết sức bất bình và căm phẫn. Đến mức trên tờ báo Dân trí có tác giả phải thốt lên cay đắng rằng “Có lẽ dân ta bây giờ mừng nhất là nghe được tin: Bộ trưởng Đinh La Thăng… không có thêm “sáng kiến” mới nào nữa.”
Đâu phải vì thành phố 6 triệu dân chỉ mới có 1000 xe buýt mà tắc, vấn lề là mặt đường quá thiếu?
Sao lại có chuyện lạ kỳ, dường như nghịch lý như vậy diễn ra trong một nhà nước của dân, do dân và vì dân? Vì đúng ra, nếu một vị Bộ trưởng không có năng lực điều hành công việc chứ chưa nói tới chuyện chỉ kiếm chuyện hành dân thì người đứng đầu chính phủ buộc phải thay bằng một người khác có trình độ và năng lực tốt hơn để giải quyết trước hết là việc ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, sau là đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có hiệu quả. Tuy nhiên thời gian từ tháng 8.2011 đến nay còn quá ngắn để đánh giá khả năng và trình độ năng lực của ông Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nhưng dù có đến 10 ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, mỗi ông có tới 5 đầu 6 tay, 12 con mắt thì cũng không bao giờ giải quyết được vấn nạn giao thông ở các các đô thị lớn ở Việt nam nói riêng và trên toàn quốc nói chung !
Tai sao lại có chuyện như vậy?
Trước hết cần phải thấy, việc ùn tắc giao thông đô thị lớn trong các giờ cao điểm nhìn chung do các nguyên nhân chính như sau:
  • Phương tiện giao thông quá lớn, song số lượng diện tích mặt đường quá nhỏ so với diện tích choán chỗ của các phương tiện giao thông, do đó không có khả năng cho xe cộ lưu thông.
  • Việc tổ chức hệ thống phân luồng và điều hành giao thông kém cộng với ý thức của người dân tham gia giao thông.
Để giải quyết tình trạng ùng tắc, biện pháp duy nhất là giảm đầu phương tiện giao thông cá nhân đang lưu thông, bằng cách tăng cường số lượng, chất lượng và chủng loại của hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của dân chúng. Hoặc đánh thuế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Hai biện pháp này cần phải tiến hành đồng bộ, chứ không thể cứ đánh thuế phương tiện cá nhân cao mà chưa giải quyết được vấn fđề giao thông công cộng. Như vậy là không công bằng, vì nhà nước phải có trách nhiệm làm đường, làm cầu, đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn cho toàn xã hội cũng như cho mọi người dân. Ngược lại thì người dân đã phải có nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, do đó việc thu phí không thể làm người ta ít đi xe. Điều này giống như chuyện tăng học phí, tăng viện phí thì người dân cũng phải chấp nhận, chỉ trừ những người quá nghèo khó mới cho con nghỉ học hoặc nằm nhà chờ chết. Còn có mấy ai nếu không vì kế mưu sinh mà đi chơi vào giờ cao điểm để chịu cảnh ùn tác? Nhưng trách nhiệm của mọi nhà nước ta đâu có bỏ mặc dân như thế. Thế nên việc tăng các khoản phí giao thông chẳng giải quyết được gì. Chỉ càng làm cho dân khó khăn, đã nghèo thì càng nghèo thêm.
Để tìm lời giải đáp cho phương pháp tìm lối thoát của vấn nạn ùn tắc cho giao thông đô thị, xin đơn cử các quốc gia với các chế độ chính trị khác nhau sẽ thấy rõ nguyên nhân vì sao vấn đề giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị là một bài toán cực kỳ nan giải, nếu không muốn nói nó sẽ mãi không có lối thoát nếu Việt nam tiếp tục duy trì chế độ chính trị độc đảng như hiện nay cộng với nền kinh tế thị trường.
Trước hết hãy cùng xem đất nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều tiên, một nhà nước xã hội chủ nghĩa với đúng nghĩa nguyên thủy của nó, nơi mà nhiều người cho rằng sở dĩ nó còn tồn tại vì người ta muốn nó là một viện bảo tàng để cho lớp người trẻ trên toàn cầu hiểu hết được sự “tốt đẹp” đến man rợ của cái gọi là chủ nghĩa cộng sản. Và đây là tính ưu việt của nó mà người dân Việt nam ở các đô thị, hàng ngày phải lưu thông trên đường vì kế sinh nhai phải phát thèm vì sự thông thoáng của giao thông đô thị mà hiếm có một quốc gia bình thường hay thịnh vượng có được. Lý do không có chuyện ùn tắc giao thông cũng rất đơn giản, vì với kinh tế kế hoạch tập trung trên cơ sở sở hữu toàn dân do nhà nước nắm giữ gần 100%. Đồng thời bị thế giới cô lập do chế độ chính trị độc tài gia đình trị, lập dị dẫn đến kinh tế chậm phát triển. Đời sống dân chúng nghèo khổ, ăn không đủ phương tiện giao thông cá nhân là xe đạp, chứ đừng nói chuyện mua xe ô tô, xe gắn máy.
Một cảnh sát giao thông đứng trên con đường vắng vẻ ở Bình Nhưỡng (VnEconomy)
Giao thông ở thủ đô Bình nhưỡng giờ cao điểm (info.vn)
Trong khi đó ở nước láng giềng của Việt nam là Thái lan, một nhà nước quân chủ lập hiến, có nền kinh tế thị trường TBCN hoàn toàn. Theo báo cáo chính thức của Bộ tư lệnh Cảnh sát thủ đô Bangkok cho biết số lượng phương tiện giao thông xe ô tô và xe gắn máy hiện tại tới 6,62 triệu chiếc trong đó xe ô tô tới hơn 4 triệu chiếc và xe gắn máy 2,6 triệu xe với dân số trên 10 triệu người. Nhưng việc ùn tắc giao thông hàng ngày ở thủ đô Bangkok chỉ xảy ra trong giờ cao điểm và chỉ là ùn tắc cục bộ một số nút trong trung tâm, song thời gian ùn tắc không lâu như ở các thành phố Hà nội và Sài gòn. Lý do họ có một cơ sở hạ tầng cơ sở về giao thông, cộng với các loại hình phương tiện giao thông công cộng đa dạng chất lượng cao. Và một điều không thể không nhắc đến là Bangkok (Pataya, Hatnhay) là một trong 03 địa phương được áp dụng một hệ thống quản lý hành chính đặc biệt (như đặc khu Hongkong), mà chủ tịch thành phố Bangkok thay vì sự bổ nhiệm từ trung ương do dân chúng trực tiếp bầu ra. Chính vì lý do này đã kích thích sự chạy đua giữa các thị trưởng của các đảng phái khác nhau trong vấn đề chống ùn tắc là những mục tiêu hàng đầu trong việc vận động tranh cử. Do vậy công việc giải quyết vấn nạn ùn tắc ở Bangkok đã có các giải pháp có hiệu quả nhanh chóng và cao độ.
Hệ thống giao thông đường bộ ở thủ đô Bangkok với 3 tầng đường và hai hệ thống tàu điện ngầm (sub way) và trên cao (sky train)
Nhìn từ trên cao xuống
Qua đây để thấy mối quan hệ hữu cơ giữa thể chế chính trị và đời sống xã hội hết sức gần gũi, mật thiết và có mối tương tác qua lại. Một vấn đề quan trọng cũng như một bài toán khó, bài toán khó thì phải đòi hỏi người có tài, có năng lực, có tư duy chiến lược mới có thể giải quyết được. Một điều nữa cần phải nói khi ông Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng việc thu phí nhằm để có tiền đầu tư hạ tầng, khi phương tiện bớt đi, chúng ta có khả năng tăng xe buýt, phương tiện vận tải công cộng lên, môi trường trong sạch hơn, đường đẹp hơn, đi lại thuận tiện hơn, ít tai nạn hơn. Nhưng ông Bộ trưởng nghĩ gì khi người ta khẳng định sự thất thoát trong đầu tư công (ICOR) quá lớn, khu vực nhà nước lớn khoảng 40% gấp đôi khu vực tư nhân, càng lớn hơn so với khu vực tư nhân nước ngoài? Nguyên do chúng ta thiếu một cơ chế giám sát và phản biện cần thiết, mà chế độ độc đảng vừa đá bóng vừa thổi còi thì không bao giờ có thể làm và thực hiện thành công đươc.
Việc chính phủ bổ nhiệm ông Đinh La Thăng, với những phát ngôn, hành động và những quyết định trong một thời gian ngắn khoảng 8 tháng đã bộc lộ sự yếu kém, tư duy ngắn hạn đặc biệt là những ý tưởng phi khoa học, phi kinh tế làm người dân chán ngán đã dành cho ông biệt danh Đinh “tặc” quả không ngoa. Đây là biện pháp có thể gọi là cục bộ mang tính chữa cháy của ông Nguyên Tấn Dũng Thủ tướng chính phủ, theo lối dân dã người ta gọi là “Không có chó bắt mèo ăn cư’t”. Một số người còn đã tính đến chuyện phải bán cả ôtô, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng dù chất lượng của chúng còn nhiều điều phải bàn, vì không chịu nổi mức phí quá cao và để ủng hộ chống ùn tắc giao thông mà Bộ trưởng đang hướng tới…
Trong thăm dò mới đây do báo Giáo dục Việt Nam thực hiện, với câu hỏi, Bộ trưởng Đinh La Thăng là người thế nào trong công việc?. Tính đến 12 giờ trưa ngày 28/3/2012, đã có 810/992 ý kiến độc giả chiếm 81,6% cho rằng, Bộ trưởng Thăng là người nôn nóng, vội vàng trong công việc. 83/992 ý kiến chiếm 8,3% cho rằng bình thường, 55/992 ý kiến chiếm 5,5% cho rằng Bộ trưởng Thăng quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, 40/992 ý kiến chiếm 4% cho rằng Bộ trưởng là người thiếu quyết đoán và 0,4% cho rằng Bộ trưởng là người không nôn nóng, vội vàng trong công việc.
81,6% độc giả đánh giá Bộ trưởng Thăng là người nôn nóng, vội vàng trong công việc.
Nhưng một điều nguy hiểm nhất mà ban lãnh đạo đảng CSVN không nhìn thấy một hậu quả vô cùng lớn đó là sự phá hoại uy tín và lòng tin của người dân đối với chính quyền. Trước đây trong 6 năm ông Nguyễn Tấn Dũng trong cương vị Thủ tướng chính phủ đã phá nát nền kinh tế Việt nam từ anh hùng đến con số không. Kinh tế suy thoái, lạm phát cao, giá cả tiêu dùng tăng vọt đã khiến cho tầng lớp dân nghèo, công nhân, nông dân và những người thu nhập chỉ trông vào đồng lương chán ghét chính quyền. Nay thêm ông Bộ trưởng Đinh La Thăng, với những quyết định thu phí hạn chế phương tiện tréo ngoe cũng đã khiến giới trung lưu phải nổi giận, hơn thế nữa theo ông Bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng “Nộp phí giao thông là thể hiện sự yêu nước !”. Không hiểu ông Bộ trưởng chọc tức người dân hay nói thật? Nếu là ông Bộ trưởng nói thật thì 90% dân chúng đang sử dụng phương tiện giao thông sẽ xin không yêu nước.
Yêu nước làm sao được khi mà ở Việt Nam ta hệ thống giao thông công cộng nội đô như xe bus, tàu điện cao, tàu điện ngầm chưa có vì thế đi lại chủ yếu phương tiện cá nhân. Phương tiện công cộng của ta hiện có thì không thuận tiện và không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong hoàn cảnh đó, phương tiện cá nhân như ôtô, xe máy thuận lợi và rất hiệu quả. Đồng thời với nền kinh tế thì đây là ngành mũi nhọn mang lại nhiều công ăn việc làm và nộp nhiều cho ngân sách nhà nước. Nhưng ở Việt Nam ta, chiếc xe bị hắt hủi và bị coi như kẻ thù. Để rồi phí chồng phí mà thực chất là thuế chồng thuế, thu nhập đầu người ở Việt nam thuộc hàng thấp, nhưng chi phí bổ xuống các phương tiện giao thông cá nhân thì gấp 3-4 lần các nước phát triển.
Truyền thông của nhà nước vẫn kêu gọi người dân cảnh giác với các thế lực thù địch, tuyên truyền lôi kéo người dân từ chỗ ghét chính quyền để chống chính quyền. Đó là cái họ gọi là diễn biến hòa bình. Thế lực thù địch ở đâu mọi người chưa rõ, nhưng để làm người dân chán, ghét rồi tiến tới chống chính quyền thì phải kể tới ông Bộ trưởng “Đinh tặc” Đinh La Thăng. Những điều ông đã làm trong 08 tháng vừa qua thì bằng kết quả tuyên truền của các thế lực thù địch đã làm trong 20 năm.
Gía như chính quyền Việt nam có thêm 3-4 ông Bộ trưởng kiểu ông Đinh “tặc” thì chả mấy chốc chả cần ai xúi người dân cũng sẽ buộc phải đồng lòng đứng lên để lôi cổ chính quyền đã tham nhũng trầm trọng nay còn thêm tội hại dân này xuống. Dân Việt nam thường bị chê là vô cảm và cam chịu, nhưng nên nhớ điều đó chỉ đúng khi nồi cơm, túi tiền của họ không bị ai ăn cướp một cách trắng trợn và vô lý như ông Đinh “tặc” đã và đang làm.
Vậy muốn nhanh có sự thay đổi thì chúng ta phải đồng thanh hô: Hoan hô Bộ trưởng đinh “tặc” Đinh La Thăng !
Kami
Theo Blog Kami

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét