* Thương kính gởi đến Tất Cả Cựu Quân Cán Chính VNCH
S
|
Những hình ảnh thân thương, êm đềm đó được lập đi lập lại không thay đổi trừ khi trời giông mưa bão. Đó là khoản thời gian mà Tôi có ấn tượng sâu đậm nhất về hình ảnh linh hoạt của buổi Lễ Chào Cờ và cũng là lúc Tôi được chiêm ngưỡng nhiều nhất cái nét dịu dàng đáng yêu không kém vẻ uy nghi của Lá Cờ chúng ta- nền vàng ba sọc đỏ- mà ý nghĩa của Lá Cờ tôi còn nhớ qua lời giải thích căn bản của Thầy, Cô ngày xưa ở bậc Tiểu học. Mỗi khoản không gian đã xa, mỗi bước thời gian qua rồi, Tôi tin chắc rằng trong chúng ta ai cũng còn lưu lại trong ký ức ít nhiều hình ảnh của những lần được làm Lễ Chào Cờ từ thủa còn cắp sách đến trường hay đã trưởng thành trong Quân ngũ… không làm sao quên được.
Trước kia, khi tôi còn là một người lính, ngày đêm nơi chiến trận, tôi ít khi có dịp để đứng nghiêm trang, tôn kính chào Lá Quốc Kỳ- lá cờ vàng tươi thắm- mà tôi đang xả thân gìn giữ. Rồi cũng có những lần trực diện với những buổi Lễ Chào Cờ ở vài Trường Học xa xôi hay vài Cơ sở Hành Chánh Địa phương trên bước đường “nghĩa vụ“; Tôi đã dừng chân, nghiêm chỉnh, mắt hướng về Lá Quốc Kỳ; lắng nghe bài Quốc ca hay Quốc thiều đang trỗi mà bất chợt nhớ lại Điều Thứ Nhất trong 10 Điều Tâm Niệm của người Công Dân Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa lúc còn đi học… mà nghe lòng dâng lên niềm bâng khuâng vui sướng. Trong chúng ta, ai mà chưa một lần biết qua hay chưa một lần trông thấy buổi Lễ Chào Cờ? Với bao nỗi thăng trầm của Tổ Quốc, màu cờ vàng yêu thương của VNCH vẫn luôn hiên ngang, ngạo nghễ phất phới tung bay trên khắp các nẻo đường đất nước. Ôi ! sung sướng thay ! Ôi ! hãnh diện thay ! khi chúng ta ngày nào được đứng làm Lễ Chào Cờ, được nhìn thấy lá cờ VNCH tung bay trong gió; ngày đó chúng ta như tràn đầy nhựa sống, tràn trề sinh lực với bao tâm huyết trong đời.
Rồi… cái ngày đau thương, đen tối ấy đến… Chỉ một khoản thời gian ngắn ngủi ban trưa nơi Thị Xã Càmau. Tôi như người bịnh đang dần trong hôn mê, khi Tôi nhìn lên khoản không gian vắng ngắt gần xa quanh Tôi… các đỉnh cột cờ không còn thấp thoáng hình dáng Lá Cờ Vàng thân yêu đâu nữa. Lá Cờ Vàng đã bay đi phương trời vô định không hẹn ngày trở lại. Lá cờ bay đi đã mang theo nhịp thở của tim tôi, lòng tôi bồi hồi, tê tái chết lịm. Tôi cảm thấy như “lạc loài”, “bơ vơ” bên âm thanh văng vẳng của nhóm người “tiếp thu“. Tôi nghe lòng mình cô đơn và thương tiếc vô cùng.
Trên đảo Bidong vào một đêm văn nghệ đầu tiên sau 14 năm xa vắng tiếng trống, tiếng đàn của Nhạc vàng. Tôi được đứng dưới hàng khán giả. Nhìn lên sân khấu, nơi bàn thờ Tổ Quốc nghi ngút khói hương với lá cờ vàng tươi thắm, biểu tượng năm xưa đang hiển hiện. Tôi ngước nhìn say đắm lá cờ vàng thương yêu, tim Tôi đập mạnh, lòng Tôi rộn ràng xao xuyến. Tôi đứng nghiêm chỉnh như ngày nào, trong lúc bài Quốc Ca “Này Công dân ơi ! đứng lên đáp lời sông núi“ được vang lên từ một băng cassette. Bỗng tôi chợt thấy môi mình mặn mặn. Tôi nhận ra những giọt nước mắt nóng hổi đang chảy dài trên má Tôi. Tôi đã khóc ! Khóc như vừa tìm lại được một “báu vật” thân yêu. Khóc như vừa nắm lại được bàn tay Mẹ hiền sau nhiều năm tháng dài xa cách, ngỡ rằng sẽ không còn dịp gặp lại Mẹ nữa. Tôi khóc như vui mừng, xúc động quá đỗi ! Vì Tôi biết Tôi đang còn sống, sống cùng với Đồng bào tỵ nạn quanh Tôi và như đang hít thở cái không khí trong lành, mát rượi ngày nào trên dãy đất VNCH; mặc dù giờ đây Tôi cùng Đồng bào Tỵ nạn đang đứng trên mõm đất nhỏ bé của hải đảo xa xôi.
Phút mặc niệm những Chiến Sĩ VNCH quên mình vì Tổ Quốc và Đồng Bào bỏ mình trên bước đường tìm Tự Do đã chấm dứt. Tôi vẫn còn bàng hoàng rồi chợt bừng tỉnh. Tôi nghe lòng mình như uất nghẹn, như nức nở và nuối tiếc. Tôi quay lại thật nhanh, nhìn lên các hàng khán giả sau lưng để mong tìm gặp người cùng tâm trạng. Dưới ánh đèn điện không đủ sáng, Tôi thoáng thấy rất nhiều đôi mắt còn ươn ướt, long lanh trong lứa tuổi Đàn Anh hay bậc Cha Chú… Họ là những Cựu Quân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa.
** Viết tại Đảo Bidong Malaysia đêm văn nghệ 4/1989
TIÊU NHƠN LẠC
MDC67
Cựu SVSQ K6/68/TB/TD
Newyork City
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét