Việc “giải cứu nhà giàu” thực ra là việc giới nhà băng tự cứu mình, chứ không phải vì quyền lợi của đa số dân chúng. Chưa nói đến tiền dùng để giải cứu, thực ra cũng hầu hết là tiền đóng thuê của người dân.
Báo chí hôm qua đã dẫn báo cáo của Ngân hàng thế giới, để đưa ra một dòng tít đáng giật mình “Chỉ 5% dân số Hà Nội đủ tiền mua nhà đất”.
“Giá đất bị thổi phồng”, “khung giá đất ấn định sẵn không tuân theo quy luật thị trường”, “sự hoán chuyển những giá trị và lợi ích lớn”, “kẽ hở cho hành vi thông đồng giữa hai nhóm quyền lực”…Những thuật ngữ được sử dụng trong báo cáo đóng vai trò nguyên nhân cho thực trạng “giá BDS tại Hà Nội và TP HCM khá cao so với các TP Châu Á” (nếu không muốn nói là cao nhất). Ở Hà Nội, thậm chí, “đất rao bán có giá cao gấp 1.000 lần giá tiền thuê nhà hằng tháng ở cùng một địa điểm”.
Khổ cho dân chúng. 95% dân thủ đô, với GDP bình quân sấp sỉ 2.000 USD, gấp rưỡi GDP bình quân chung mà còn không mua nổi nhà thì liệu dân chúng có mấy người đủ tiền mua nhà?
Tại sao giá nhà đất ở Hà Nội, TP HCM nói riêng, trên toàn quốc nói chung luôn “cao vời vợi” như vậy? Dường như báo chí hôm qua cũng đã có câu trả lời khi một DN địa ốc kêu gào thảm thiết “xin nộp thuế bằng…đất”. Dự kiến bán dự án được 60 tỷ đồng, trong khi phải nộp thuế đất là 57 tỷ đồng, Công ty địa ốc Bình Dân đã xin được đóng tiền sử dụng đất bằng… đất. Nếu không được, Bình Dân dọa giao lại dự án cho nhà nước để “chính quyền kinh doanh”. Đáng chú ý, dự án, rộng 14.000 m2 này dành cho đối tượng có thu nhập trung bình thấp.
Có hai điểm đáng chú ý xung quanh sự kiện, thoạt nhìn giống một lời kêu khổ của các đại gia BDS này. Thứ nhất, giá tiền sử dụng đất, thuế, phí quá cao chính là một yếu tố khiến giá nhà đất luôn ở “trên trời” đối với người dân. Thứ hai, nhà ở xã hội hầu như chỉ mang ý nghĩa danh nghĩa khi ngay cả “vài tỷ bạc lợi nhuận” cũng kể như là thất bại đối với DN thực hiện nghĩa vụ.
Đang có một nghịch lý: Trong khi các đại gia bất động sản, trong khi giới địa ốc kêu gào thảm thiết về việc đã “giảm giá tới 50% nhưng vẫn không có thanh khoản” thì người dân vẫn không đủ tiền để sở hữu dù chỉ một căn hộ chính sách. Không phải ngẫu nhiên mà một quan chức Bộ Xây dựng đã từng có phát ngôn bất hủ: “Lương Bộ trưởng 40 năm mới mua được nhà thu nhập thấp”.
Trong mấy tháng qua, khi thị trường “ướp đá”, đã có không ít câu chuyện kể khổ khi các đại gia bất động sản “ôm đống tài sản chờ chết”, dân môi giới thì bán phở, bán bia, bán trà đá để kiếm sống qua ngày.
Việc giải cứu, tiếp sữa, hé nguồn cho thị trường này đã được đặt ra khi lãi suất huy động được đưa về mức 12% trong hoàn cảnh mà “90% DN địa ốc chết lâm sàng. 100% không có thanh khoản”. Nhưng quan trọng nhất, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng liên tục tăng cao. Theo TS Vũ Thành Tự Anh: “dư nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ở mức 3,4%, quy ra khoảng 85.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nếu phân loại nợ theo chuẩn mực quốc tế, Fitch Rating thì tỷ lệ nợ xấu của các NH Việt Nam là 13% tổng dư nợ (khoảng 300.000 tỉ đồng)”. Hầu hết nợ xấu rơi vào BĐS.
Vì thế, việc “giải cứu nhà giàu” thực ra là việc giới nhà băng tự cứu mình, chứ không phải vì sự lành mạnh của thị trường, không phải vì quyền lợi của đa số dân chúng. Chưa nói đến tiền dùng để giải cứu, thực ra cũng hầu hết là tiền của người dân đóng thuế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét