Trang

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Nhìn Miến Điện, nghĩ về Việt Nam

Tôi có một người bạn mới đi du lịch ở Miến Điện về. Từ ngày về hưu, anh đi khá nhiều, chủ yếu các nước thuộc châu Á, từ Việt Nam đến Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc, Trung Quốc, và, gần đây nhất, Miến Điện. Trong tất cả các nước ấy, anh đặc biệt thích và hết lời khen ngợi Miến Điện. Khen, dĩ nhiên không phải ở lãnh vực kinh tế: Sau mấy chục năm bị chìm đắm dưới họa độc tài và bị thế giới cô lập, Miến Điện rất nghèo, ở đâu cũng thấy dấu hiệu của sự cùng khổ. Sự khen ngợi của anh chủ yếu tập trung vào ba điểm chính: thứ nhất là các ngôi chùa, theo anh, tuyệt đẹp; thứ hai, là người dân, theo anh, phần lớn thật thà, chất phác và hiếu khách; và cuối cùng, là những thay đổi đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh trong xã hội. Nhanh đến độ mọi người, ngay cả du khách, cũng cảm nhận được tốc độ của những sự thay đổi ấy: Ở Miến Điện một tuần, những ngày sau cùng đã thấy khác hẳn những ngày trước đó.

Trước, chẳng hạn, không ai dám nhắc đến bà Aung San Suu Kyi; sau, lên xe buýt, đã thấy hình ảnh của bà được dán một cách trang trọng trên cửa kính. Trước, các tài xế tắc xi đều từ chối chạy đến khu vực bà ở; sau, các xe chở du khách nườm nượp kéo đến đỗ ngay trước nhà bà, và hướng dẫn viên cứ thao thao bất tuyệt về cuộc đời, cuộc tranh đấu cũng như những đau đớn mà bà phải gánh chịu. Trước, chính trị là một đề tài cấm kỵ, có hỏi người ta cũng không nói; không những không nói, mặt mày còn lấm lét lo ngại; sau, cứ đến chỗ đông người là nghe người ta bàn tán chuyện chính trị, kể cả việc phê phán giới quân phiệt đang cầm quyền và bày tỏ sự hân hoan tin tưởng trước viễn tượng một Miến Điện tự do và phát triển.
Sau khi kể xong chuyến du lịch ở Miến Điện, anh bạn tôi nói tiếp: Từ Miến Điện, mình về lại Việt Nam, tự nhiên thấy buồn. Hỏi lý do, anh đáp: Thật ra, về kinh tế cũng như xã hội, Việt Nam khá hơn Miến Điện nhiều. Nhưng trong khi ở Miến Điện, mình thấy được sự vận động, và do đó, hy vọng; ở Việt Nam, ngược lại, chỉ thấy sự ngưng trệ, và do đó, đầy bế tắc.
Tôi hiểu điều đó. Chỉ xin nêu lên một ví dụ đơn giản: Mới đây, Thứ Bảy 24 tháng 3, tại đại hội các nhà văn, nhà phát hành, và nhà báo, Bộ trưởng Thông tin Kyaw San cho biết chính phủ Miến Điện đã phê duyệt kế hoạch nới lỏng sự kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông bằng cách, trước hết, “chuyển hội nhà văn, nhà phát hành, nhà báo trước đây do nhà nước quản lý sang một tổ chức độc lập, không có sự can thiệp chính trị.” Ông nói:
“Đã đến lúc cải tổ các phương tiện truyền thông để bắt nhịp với cải tổ cơ chế. Mục đích của đại hội được triệu tập đột xuất này là để giúp tạo ra một nền truyền thông mới, hòa nhập với cơ chế mới.”
Đọc bản tin ấy, tôi cứ băn khoăn tự hỏi: Tại sao Miến Điện lại thay đổi nhanh chóng ghê gớm như vậy nhỉ?
Cách đây chỉ mới vài ba tháng, cả 60 triệu dân Miến Điện còn đang nghẹt thở dưới chế độ độc tài. Bỗng dưng, từ đầu năm 2012, như một phép lạ, không khí chính trị ở đó thay đổi hẳn. Chính phủ công khai nhìn nhận số nợ nần họ phải gánh chịu (11 tỉ Mỹ kim). Rồi người ta tổ chức bầu cử (vào ngày 1 tháng 4). Chưa hết. Còn cho phép đảng đối lập của bà Suu Kyi vốn bị trấn áp cả chục năm nay, được phép tham gia cuộc tranh cử. Cũng chưa hết. Người ta còn cho phép các tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đến quan sát cuộc bầu cử ấy. Rồi người ta mời Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton đến thăm. Rồi, bây giờ, người ta chủ trương cho dân chúng được quyền tự do ngôn luận.
Tại sao?
Tại kinh tế, sau mấy chục năm bị cấm vận, đã kiệt quệ rồi ư? Đó chỉ là một phần. Với những tên độc tài, nợ nần quốc gia hay sự cùng khổ của dân chúng, thật ra, ít khi là vấn đề. Dân chúng cùng khổ thì dân chúng ráng chịu. Nợ nần bây giờ trả không xong thì con cháu sẽ trả. Kiểu lập luận như thế, chúng ta rất dễ dàng nghe thấy đây đó, kể cả ở Việt Nam.
Tại các tên độc tài sợ hãi khi chứng kiến các cuộc cách mạng bùng nổ ở châu Phi và Trung Đông mà kết quả là cái chết thảm khốc của các bạo chúa từng có thời thét ra lửa ư? Có thể. Nhưng không phải ai cũng có thể phản ứng một cách hòa dịu và khôn ngoan như vậy trước các nỗi sợ hãi.
Lý do chính, theo nhiều nhà bình luận quốc tế, nằm ở một số cá nhân. Cụ thể là hai cá nhân: một người thức thời và một người dũng cảm.
Người dũng cảm chính là bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo không biết mệt mỏi trong cuộc tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện trong suốt mấy chục năm qua. Trong dáng dấp nhỏ nhắn và dáng điệu từ tốn, hiền lành, bà có một sức chịu đựng và một nghị lực phi thường. Bà chấp nhận tù tội, chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận sống một cách cô đơn – đến độ không thể về Anh được lúc chồng hấp hối – để tiếp tục tranh đấu. Bây giờ dường như sự tranh đấu của bà đã bắt đầu có kết quả.
Nếu sau này, vận mệnh của Miến Điện thay đổi - dân chủ và phát triển hơn, chắc chắn người ta sẽ nhớ mãi công lao và công ơn của hai con người vĩ đại này. Hình AP
Tuy nhiên, kết quả đó khó đến được lúc này nếu không có một kẻ cầm quyền thức thời: tướng Thein Sein, người mới lên thay thế tướng Than Shwe trong vai trò Tổng thống vào tháng 3 năm 2011. Khác với người tiền nhiệm vừa độc tài vừa tàn bạo, khăng khăng bám víu quyền lực một cách mù quáng, bất chấp dân chúng cũng như cả dân tộc, Thein Sein biết lắng nghe người khác, biết không thể sử dụng bàn tay sắt để kìm kẹp dân chúng được nữa. Ông quyết định thay đổi. Và khi đã quyết định, ông thực hiện các quyết định ấy một cách nhanh chóng và quyết liệt.
Nếu sau này, vận mệnh của Miến Điện thay đổi – dân chủ và phát triển hơn, chắc chắn người ta sẽ nhớ mãi công lao và công ơn của hai con người vĩ đại này.
Nhưng không ít người băn khoăn: Liệu nhiệt tình và tâm huyết của họ có thể thành hiện thực?
Băn khoăn như vậy vì nhiều lý do, trong đó, lý do này là đáng kể nhất: Cả Thein Sein và Suu Kyi đều đã 66 tuổi và đều có sức khoẻ khá yếu. Thein Sein thì bị bệnh tim; Suu Kyi thì, sau mấy chục năm gian khổ, dường như đã yếu đi rất nhiều. Có lúc bà có vẻ như không chịu đựng được nữa. Nếu một trong hai người có vấn đề gì thì tương lai đất nước Miến Điện sẽ đi về đâu?
Qua các cuộc cách mạng ở Syria, Ai Cập, Yemen, Libya… vào năm ngoái, người ta đã nhận ra mấy đặc điểm nổi bật của các cuộc cách mạng thời đương đại, ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21: thứ nhất, vai trò cực kỳ quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội; thứ hai, của những con người bình thường, vô danh; và thứ ba, đáng kể hơn hết, sự vắng mặt của các lý thuyết gia và các nhà lãnh đạo.
Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận vai trò của cá nhân đối với các biển chuyển của lịch sử. Các lý thuyết gia cộng sản trước đây đều đề cao vai trò của quần chúng và hạ thấp đến độ hầu như phủ nhận hoàn toàn vai trò của cá nhân. Nhưng trong thực tế, tất cả các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lúc bắt đầu cũng như lúc kết thúc, đều gắn liền với hình ảnh của các cá nhân: Ở Liên Xô, xưa có Lenin và Stalin; sau này, có Gorbachev; ở Trung Quốc, trước có Mao Trạch Đông, sau, có Đặng Tiểu Bình. Ở Cuba thì có Castro và ở Việt Nam thì có Hồ Chí Minh, v.v… Ở Tây phương, cũng có một số người chống đối thuyết vĩ nhân về lịch sử (Great Men theory of history): Họ cho các yếu tố như kinh tế, văn hoá, xã hội và các thiết chế đóng vai trò quan trọng hơn cá nhân trong việc làm thay đổi lịch sử.
Ở đây, việc đề cao tuyệt đối hay phủ nhận tuyệt đối vai trò của cá nhân rõ ràng là không đúng. Lịch sử từng chứng minh, rất nhiều lần, số phận của cả một đất nước có lúc hầu như tuỳ thuộc hoàn toàn vào khả năng cũng như tính cách của một con người. Quyết định của người ấy có thể làm chuyển đổi cả dòng chảy của lịch sử khiến cho diện mạo của cả một đất nước, thậm chí, hoạ hoằn hơn, của cả thế giới, thay đổi hẳn, theo chiều hướng hoặc tốt hơn, hoặc xấu hơn.
Trường hợp của Thein Sein và Suy Kyi là như vậy.
Hiện nay, giới quan sát chính trị thế giới không phải chỉ theo dõi các phát ngôn cũng như các chính sách của họ mà còn theo dõi, với rất nhiều lo âu, cả từng cơn ho hay hơi thở mệt nhọc của họ nữa.
Nguyễn Hưng Quốc
02-04-2012
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét