Trang

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

ÔNG BÙI TÍN: MỘT NGƯỜI TRANH ĐẤU CHO DÂN CHỦ?


Vấn đề hoà giải, hoà hợp tại hải ngoại  được dư luận đề cập đến rất nhiều sau khi cựu Đại Tá VC Bùi Tín đến Paris, và sau đó công bố “Kiến nghị của một công dân” và được ông Nguyễn Gia Kiểng, người cầm đầu nhóm Thông Luận “ca tụng” rất tận tình. Cũng như sau đó, ông “trí thức ngông cuồng”này đã thò vòi qua Canada bắt tay với ông Tiến sĩ Nguyễn Bá Long công kênh tên hung thần Nguyễn Hộ lên làm “minh chủ” và đã bị ông này “ị” từ trên đầu “ị” xuống.


Bài viết này gồm 2 phần:

-Phần thứ nhất viết theo lối phiếm luận mà chúng tôi, Lão Móc là tác giả. Mục đích viết về việc làm trong quá khứ của ông “trí thức raté” Nguyễn Gia Kiểng, kẻ đã xấc xược bắt “Tổ Quốc Ăn Năn”.

Bây giờ thì ông ta đã không còn rộng họng, lớn tiếng chê bai “Chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu chỉ là bọn con cháu của cô Tư Hồng…” và các bài viết kêu gọi hoà giải, hòa hợp của ông ta chỉ còn là tiếng kêu trong sa mạc.

Trong khi đó thì ông Bùi Tín lại có tiếng nói trên chương trình VOA và được nhiều trang điện báo đăng tải và cũng đã gây nhiều tranh luận.

-Phần thứ hai được viết theo lối chính luận được trích trong quyển “VIỆT NAM THẮNG VÀ BẠI” của nhà nghiên cứu Lê Quế Lâm, hiện định cư tại Úc.    

*

-PHẦN 1: CÔ TƯ HỒNG VÀ CÁC THẦY THÔNG LUẬN

“Cô Tư Hồng, tay cừ khôi trong những bà xung phong làm kỹ nghệ lấy Tây, vốn là người có tài tháo vát. Một năm kia nghe tỉnh Quảng Bình mất mùa, cô chở ba thuyền gạo vào định tâm sẽ bán lấy giá cao, bất đồ bị chính quyền biết ý ra lệnh tịch thu. Cô liền tuyên bố là đem gạo vào với hảo ý phát chẩn cho dân đói. Nhân đó được vua ban hàm tứ phẩm, ông cụ thân sinh cũng được tặng phong. Ông Trần Bình đã mừng đôi câu đối:

MỪNG CÔ TƯ HỒNG

Bốn chữ sắc phong hàm cụ lớn

Ba thuyền tế độ của bà to!       

“Hàm cụ” đối với “của bà”, thật xứng với hai người được ân thưởng.

Về hai câu này, nhiều sách đã chép câu dưới là: “Nghìn năm danh tiếng của bà to.” Chúng tôi được bạn Dương Tấn Tươi cho biết câu của ông Trần là đúng: “Ba thuyền tế độ…” vì có sự kiện phát chẩn nói ở trên. Còn câu “Nghìn năm danh tiếng của bà to” chúng tôi đọc thấy ở cuối bài Đường luật của Yên Đỗ như sau, cũng tặng cô Tư Hồng:

Giàu sang bà lớn thực trời cho

Trời lại cho bà chữ tự do!

Áo mạng, con đà ngôi mệnh phụ,

Sắc rồng, cụ cũng mặt làng nho.

Tóc sương, bực lão đành không kém,

Má phấn đàn em dễ dám so!

Khắp cõi trời Nam đều biết tiếng,

Nghìn năm danh tiếng của bà to!

Và Yên Đỗ còn mừng thêm câu đối nữa:

“Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh tiếng lãy lừng băm sáu tỉnh,

Cũng biển, cũng cờ, cũng sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người!”

Từ ngữ “Làm đĩ có tàn, có tán” có lẽ do ở câu đối này ra.”

(Lãng Nhân, Chơi chữ, trang 40).

*

Của bà to! Hai ông nhà Nho thâm thật! Nói gì thì nói, trong con mắt của mọi người, cái danh tiếng của cô Tư Hồng nhất định không phải là một danh tiếng hão!

*

Trên số báo Thông Luận số 100, xuất bản tại Paris, có bài tham luận của nhà trí thức Vương Sử mang một cái tựa nghe cũng rất ư trí thức: “Sự sụp đổ của Chủ nghĩa Cộng sản, sự trổi dậy của Chủ nghĩa Quốc gia và Vấn đề Hoà hợp Hoà giải Dân tộc hôm nay”.

Trong bài viết này, nhà trí thức Vương Sử đã nhận định về chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Quân lực Việt Nam Cọng Hoà như sau:

“… Chính nghĩa gì mà không được lòng dân? Dân chủ gì mà cũng chơi trò độc diễn và cũng hay ho gì khi mà đánh đâu thua đó và kết cục là bại trận thảm hại. Và khi thất bại thì đổ tội tại Cộng sản cưỡng chiếm…”

(Bài đã dẫn, Thông Luận số 100, 1-97-Paris).

Nhà trí thức Vương Sử này cũng to mồm, mạnh miệng đấy chứ!

*

Cũng trên tờ Thông Luận số 100 này, còn có một bài viết khác của đại chính trị gia Phạm Ngọc Lân. Ông Phạm Ngọc Lân đã trích lời của tôn sư Nguyễn Gia Kiểng:

“Cô Tư Hồng, một gái giang hồ lấy viên Thiếu Tá Quân trấn người Pháp tại Hà Nội và trở thàh một mệnh phụ phu nhân kiểu mới… Trong guồng máy của Quốc gia Việt Nam thời Quốc trưởng Bảo Đại, đại bộ phận guồng máy nhà nước gồm những người mà ta có thể xem như những đứa cháu nội, cháu ngoại của cô Tư Hồng…”

Sau khi cẩn thận trích dẫn lời của tôn sư Nguyễn Gia Kiểng đã phát biểu mấy năm trước, ông Phạm Ngọc Lân long trọng nhận định: “Đến chính quyền Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu, họ quá tầm thuờng và đã chọn con đường tiếp tục sự nghiệp của những đứa cháu nội, cháu ngoại của cô Tư Hồng thay vì tiếp tục dựng nước và giữ nước từ ngàn năm trước của ông cha…”  (Phạm Ngọc Lân, Thông Luận số 100 - tháng 1-97).

*

Cửa hàng công tư hợp doanh Thông Luận của trí thức Nguyễn Gia Kiểng trước đây có rao bán món hàng Hòa hợp Hòa giải nhập cảng từ Hà Nội. Kế đó lại rao bán nhà phản đảng cò mồi Bùi Tín. Năm sau lại chưng món hàng Nguyễn Hộ.

-Kính thưa trí thức Nguyễn Gia Kiểng, các món hàng ấy có bán chạy không ạ?

-Ế ẩm lắm ông Móc ơi! Nói ông nghe, hồi thời ông Tổng Linh, nhà nước có gửi ra ngoài món hàng Hòa hợp Hoà giải mà trong nước mới bào chế. Tôi và nhóm Thông Luận của tôi phụ trách bán món hàng ấy ở Paris. Khách hàng tới xem lật qua lật lại thấy chữ Made in Hanoi, họ bỏ đi ráo…

-Kính thưa trí thức, thế còn nhà phản đảng cò mồi Bùi Tín?

-Nói thật với ông Móc, món này được cái mã ngoài sơn phết coi cũng tạm được. Kẹt một nỗi nhân viên cửa hàng Thông Luận chúng tôi đánh bóng có hơi mạnh tay, món hàng tróc mất lớp sơn đi nên có mấy khách hàng mua rồi họ đem trả lại, đành để mốc trong kho…

-Kính thưa trí thức, thế còn món hàng Nguyễn Hộ?

-Mẹ! Cái lão già này chơi xỏ bọn tôi! Bọn tôi bên Paris này họp tác với trí thức Nguyễn Bá Long bên Canada, xúm vào công kênh lão ấy, đội hẳn lên đầu, suy tôn làm minh chủ. Ai ngờ đâu bọn tôi mới vừa quảng cáo xong là lão cứ ngồi ngay phía trên ị xuống rồi tếch đi mất, bỏ chúng tôi giữa chợ đời!

*

-Kính thưa nhà cách mạng Phạm Ngọc Lân, trước năm 1975 Ngài sinh sống ở đâu ạ?

-Tôi ở Sàigòn ông Móc ạ. Sau 75 tôi hồi hương về bên… Tây, quê cha đất tổ của tôi.

-Thưa nhà cách mạng, chắc Ngài có quen cô Tư Hồng nên biết rõ cháu nội, cháu ngoại của cô Tư?

-Biết đếch đâu! Thấy thầy Kiểng nói tới cô Tư Hồng, thấy hay hay tôi cóp lại đăng báo cho nó có vẻ… cách mạng ấy mà!

-Trước năm1975, nhà cách mạng có phải đi lính tráng gì không?

-Không, tôi là Tây lai , quốc tịch Pháp. Chuyện lính tráng chết choc đã có người khác. Nước Việt Nam Cộng Hoà là nước mẹ, không phải quê cha của tôi, ông Móc ạ!

-Kính thưa nhà trí thức Vương Sử, ông lúc trưóc ở đâu mà biết Việt Nam Cộng Hoà không có chính nghĩa?

-Ở miền Nam chứ ở đâu! Tôi mở radio nghe đài Giải Phóng bảo miền Nam không có chính nghĩa. Nghe thế thì biết thế!

-Kính thưa trí thức Vương Sử, ông nói Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đánh đâu thua đó, chắc ông trận mạc cũng nhiều?

-Cần gì phải ra trận mạc ông Móc. Ngồi nhà tưởng tượng cũng được rồi. Còn mỗi tối nghe  đài Hà Nội loan tin chiến thắng. Mà hễ bên này thắng thì bên kia thua. Dễ biết quá mà.

* 

  Của bà to, mà to như thế nào thì cả cụ Nguyễn Khuyến lẫn ông Trần Bình đều không chịu nói thẳng ra. Nhưng chắc chắn là phải to nên mới có người làm thơ, làm câu đối. Cái chuyện mập mờ của hai ông nhà nho làm cho không ít người thắc mắc, trong số đó có anh Móc mang tật tò mò trời cho. To cỡ nào?

To cỡ nào thì không biết nhưng chắn chắn một điều là cái ấy không thể to bằng những cái mồm của các thầy Thông Luận.

-Ông Móc nói phải đấy!

-Thưa cô Tư Hồng, tại sao cô lại nói là tôi nói phải?

-Còn tại sao gì nữa. To như thế nào thì tôi phải biết rõ hơn ai hết. Thế nhưng khi tôi thấy những cái mồm của các thầy Thông Luận kia thì tôi biết ngay là những cái mồm ấy nó to hơn của tôi!

-Thưa cô Tư Hồng, tại sao cô biết?

-Sao lại không! Những cái mồm mà phát ra được các đại ngôn như mấy thầy Thông Luận thì những cái mồm ấy phải to hơn, hoặc phải bằng với cái… cái… cái mà ông Nguyễn Khuyến nói ấy.

-Thưa cô Tư, thế chắc cô Tư biết ông trí thức Nguyễn Gia Kiểng chứ?

-Biết chứ! Ông ấy làm Thứ trưởng dưới thời của những người mà ông ấy gọi là cháu nội, cháu ngoại  của tôi đấy ông Móc.

-Thưa cô Tư, sao trông cô có vẻ không được vui?

-Chà! Cái ông Móc này còn trẻ mà tinh mắt gớm! Phải, tôi buồn lắm ông Móc ạ!

-Sao thế, cô Tư?

-Nói ông Móc nghe, trước đây tôi được ông Trần Bình làm câu đối ca tụng, lại có ông Tam nguyên Yên Đỗ làm thơ, làm câu đối tặng cho tôi, tôi cứ tưởng là của tôi to nhất!

-Thưa cô Tư Hồng, cho đến bây giờ thì cô vẫn… to nhất!

-Ông Móc nói sai rồi. So sao được với mấy cái mồm của các thầy Thông Luận. Tôi buồn vì chỗ ấy đấy, ông Móc ạ!

*

Tội nghiệp cho cô Tư Hồng quá! Cô Tư có mỗi cái to thì lại bị những cái mồm của các thầy Thông Luận ghé vào mà tranh mất cái giải nhất.

Thế thì ông Nguyễn Khuyến ơi, ông học cho lắm, đỗ cho cao rồi ông cũng sai bét!

Nghìn nămdanh tiếng… của bà to!

Làm gì đến nghìn năm! Chưa được trăm năm thì miệng mồm Thông Luận đã ngang ngửa với… của cô Tư rồi!

-PHẦN 2: ĐẠI TÁ BÙI TÍN: MỘT NGƯỜI TRANH ĐẤU CHO DÂN CHỦ HAY CHỈ LÀ MỘT TÊN BỊP?

“…Để tiến tới xã hội chủ nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã tạo mối hận sâu đậm với Hoa Kỳ, không những gây tổn thất nặng nề về nhân vật lực mà họ còn dùng những lời lẽ hết sức nặng nề để sỉ vả Hoa Kỳ. Sau đó lại lừa gạt, lật lọng người Mỹ để thôn tính miền Nam và từ đó dùng vấn đề tù binh, hài cốt và người Mỹ còn mất tích trong cuộc chiến để làm điều kiện đòi Hoa Kỳ giải tỏa cấm vận và bình thường hóa bang giao.

Cũng vì mục tiêu trên, giới lãnh đạo CSVN đã phản bội Trung Cộng, tố cáo Bắc Kinh nào là “thực hiện chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền”, nào là “lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện”, nào là thực hiện “những cuộc thanh trừng tàn bạo và đẫm máu ở trong nước”… Hà Nội còn công bố Bạch thư “Sự thật quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” tố cáo Bắc Kinh trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua đã ba lần phản bội Cách mạng Việt Nam, mà “lần sau độc ác, bẩn thỉu hơn lần trước”. Ngoài ra Cộng sản Việt Nam còn tạo mối oán thù chồng chất với những người đồng chủng tộc, những người có tinh thần quốc gia dân tộc.

Nếu đất nước này suy tàn, “nhân dân lâm vào cảnh đói khổ ngày nay vì Đảng đã hấp tấp và chủ quan xây dựng xã hội chủ nghĩa mà không kinh qua giai đoạn phát triển thiết yếu của chủ nghĩa tư bản”-  như lời thú nhận của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thì việc điều chỉnh hướng phát triển tương lai khá dễ dàng, đằng này nó còn là hậu quả của việc phong tỏa cấm vận của Hoa Kỳ và việc trừng phạt của Trung Cộng “nhằm làm cho Việt Nam đổ máu cho đến chết”. Do đó chủ trương của Hà Nội là phải quay về với Bắc Kinh nối lại mối dây thân hữu với Trung Cộng, vừa dùng vấn đề tù binh và người Mỹ mất tích để ve vãn cầu hòa với Hoa Kỳ vừa kêu gọi Hoa Kỳ viện trợ để họ cởi mở hơn về mặt chính trị vừa đưa ra chiêu bài hòa giải với những người Quốc gia ở hải ngoại. 

Trong kế hoạch hòa giải này, Bùi Tín nguyên đại tá và Phó tổng biên tập báo Nhân Dân - tiếng nói của đảng CSVN, tự đảm nhận vai trò thuyết khách, ông đến Pháp và Mỹ như là một người chống đối chế độ Hà Nội.

Trong tác phẩm “Hoa Xuyên Tuyết” phổ biến ở Paris, Tín xin mọi người hãy “nén tình cảm riêng lại để chung sức lo chuyện cứu dân cứu nước”. Ông kêu gọi “những người lương thiện của hai bên đi đến hiểu nhau, nhân ái và độ lượng, tương kính và khoan dung với ý nghĩ chung: mỗi bên đã yêu nước bằng những cách khác nhau nay vẫn là lòng yêu nước nên gắn bó nhau trở lại để bắt tay xây dựng lại đất nước hoang tàn vì cuộc sống của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau”.

Để thực hiện việc hòa giải, Bùi Tín đặt vấn đề “Cộng sản và Quốc gia: Ai đúng, ai sai? Ai có công, ai có tội?”… nhưng ông không dám dứt khoát trả lời . Ông chỉ nhắc lại lập luận của những người Cộng sản về nguyên ủy gây ra cuộc chiến Quốc Cộng để lên án người Quốc gia đã “theo Pháp, theo Mỹ để lôi kéo vào đất nước hàng triệu tên xâm lược, bắn phá hàng triệu tấn bom đạn trên cả hai miền Nam Bắc”. Và chỉ trích những người Cộng sản đã “mù quáng theo lịnh Stalin coi những người không cùng chính kiến là kẻ thù nguy hiểm cần phải thủ tiêu”.

Bùi Tín đề cao cuộc cách mạng tư sản dân quyền của Pháp năm 1789 và cho rằng “Lénin cũng phải công nhận giá trị của nó, và ngày nay Liên Xô, các nước Đông Âu cho đến Mông Cổ đều đã quay lại thực hiện trọn vẹn đầy đủ những quyền tự do dân chủ của giai đoạn cách mạng tư sản dân quyền. Và các nước ấy đã không “sai lầm”, “lẩm cẩm”, “dại dột” như các vị lãnh đạo đảng CSVN nhận định đâu”. Ông cổ vũ khái niệm đa nguyên chính trị chứ không chịu đề cập đến chuyện “đa đảng”. Ông đề nghị thành lập “một chính đảng mới, đảng Độc lập và Tự do chẳng hạn, theo như câu châm ngôn “không có gì quý hơn độc lập tự do”, bao gồm trí thức, công nhân, nông dân, thanh niên, nhà kinh doanh, đảng này có thể thu nhận những người Cộng sản tự nguyện rời đảng CS để gia nhập. Đảng đăng ký hoạt động hợp pháp với ý thức chính trị xây dựng dân chủ và đoàn kết hợp tác, vừa ganh đua với đảng CS”. 

Trong “Kiến nghị của một công dân” gởi các lãnh tụ đảng CSVN cũng như trong các cuộc tiếp xúc với báo chí Việt ngữ ở Paris, Bùi Tín luôn hết lời ca ngợi Hồ Chí Minh và cho rằng đảng CSVN sẽ thắng bất cứ cuộc bỏ thăm nào, kể cả một cuộc tổng tuyển cử hoàn toàn tự do, trong sạch có quan sát viên quốc tế trông chừng vì đảng CSVN là tổ chức tập trung được hầu hết tinh hoa đất nước. Do đó chủ trương lập đảng của Bùi Tín rõ ràng muốn tìm lối thoát cho đảng CSVN với việc hình thành một đảng đối lập bao gồm những đảng viên Cộng sản ly khai liên kết với các thành phần khác để “ganh đua” với những người lãnh đạo hiện tại của đảng CSVN bị ông tố cáo là “đã phản lại huyền thoại Hồ Chí Minh”.

Mưu định ngoại vận và thuyết khách của Bùi Tín bước đầu có vẻ thuận lợi. Trong thời gian ở Pháp và Mỹ, Tín đã tiếp xúc một số chính khách thuộc phe Quốc gia như cựu đại tướng Nguyễn Khánh, cựu thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, các ông Bùi Diễm, Tạ Văn Tài, Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Xuân Khoa… Tín đã đến nói chuyện với tổ chức Asia Society Center ở Hoa Thịnh Đốn và có một bài viết đăng trên tờ Washington Post. Ông kêu gọi Hoa Kỳ “hãy viện trợ cho Việt Nam vì đó vì đó là cách tốt nhất để khuyến khích Cộng sản cởi mở về mặt chính trị”. Ông cho rằng “mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam hứa hẹn những hy vọng vì viện trợ trao đổi mậu dịch, văn hóa và khoa học kỹ thuật với Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc yểm trợ các thành phần có khuynh hướng tiến bộ tại Việt Nam”…

… Tuy nhiên những nhận xét của Bùi Tín về cuộc chiến Việt Nam khiến nhiều người

thất vọng khi ông cho rằng “cuộc chiến đấu chống thực dân dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh là một cuộc chiến đấu anh hùng, là biểu tượng vinh quang của đảng CSVN” “thành phần lãnh đạo của đảng CSVN hiện thời không thể bị lên án vì họ đã đạt được thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống đế quốc”. Bùi Tín còn cho rằng chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ chớ không phải là cuộc chiến tranh do Cộng sản chủ xướng bằng bạo lực và sự bạo tàn để áp bức những người yêu chuộng tự do của Việt Nam Cộng Hoà”.

Ký giả Al Santoli sau khi nghe Bùi Tín nói chuyện đã viết một bài trên Washington Times với tựa đề:

“Đại tá Bùi Tín: Một người tranh đấu cho dân chủ hay là một tên bịp?”.

Ký giả Al Santoli nhận định:

“Bùi Tín không phải là một Yeltsin của Việt Nam. Công việc của Đại tá Bùi Tín là công tác của một cán bộ chính trị chìm thì đúng hơn. Boris Yeltsin là một trong những nhà lãnh đạo Nga đầu tiên lên án chủ thuyết Cộng sản. Nhưng Bùi Tín thì vẫn cố chạy tội cho thành phần đảng viên thân thích của ông trong đảng CS và kêu gọi các nước Tây phương cùng người Việt hải ngoại giúp đỡ để họ lên nắm quyền bính… Tín vẫn hết lòng tin tưởng rằng chủ nghĩa Mác-xít còn có một chỗ đứng tại Việt Nam và ông còn cố gắng bào chữa cho sự nghiệp ‘thống nhất đất nước’ của đảng CSVN”.    

Và ký giả Al Santoli đã kết luận như sau:

“Con bài Bùi Tín giống như thủ đoạn chính trị mà Hà Nội đã dùng trước năm 1975 để đạt những chiến thắng chính trị cho họ”. (*)

*

Với bài viết này, chúng tôi xin gửi câu hỏi của ký giả Al Santoli: “Đại tá Bùi Tín: Một người tranh đấu cho dân chủ hay là một tên bịp?” đến ông Bùi Tín.

LÃO MÓC


(*) “Việt Nam Ai Thắng, Ai Bại”, biên khảo của Lê Quế Lâm - 1993 (từ trang 768 đến trang 772).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét