Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Quốc Tổ Hùng Vương 2012: Hồn khí non sông tụ hội

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm

Câu ca đã có từ bao đời,vừa là tình cảm gửi gắm, vừa là lời nhắc nhở để con cháu Lạc Hồng-máu đỏ da vàng Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc.


11 giờ trưa ngày 1-4-2012( tức 10-3 âm lịch) hơn 200 đồng bào tại Sacramento đã tìm về hội trường Georgesim Communiti Center, 6207 Logan Street… dự ngày giỗ tổ Hùng Vương , tôn vinh huyền thoại bọc trăm trứng để giữ gìn bản sắc dân tộc . Theo huyền thoại này, mẹ Âu Cơ cùng cha Lạc Long Quân sinh ra bọc con trăm trứng, nở thành trăm người con. 50 người con theo mẹ lên núi, 49 người con xuống biển, chỉ người con trưởng ở lại làm vua, hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu (Vĩnh Phú), đặt tên nước là Văn Lang. Hơn 500 năm trị vì, 18 đời vua Hùng đã gắng công dạy dân trồng lúa, đánh giặc ngoại xâm, chống bão lũ triều cường, chăn nuôi trâu bò, gà vịt v.v Khi tết đến xuân về còn mở lớp dạy hát ả đào cho phụ nữ , đánh cồng chiêng cho tráng đinh, phụ lão…Điều này được bác Nguyễn Ngọc Diệp- Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo, thuộc hội đồng quản trị hội cao niên Sacramento khắc họa trong bài phát biểu của mình khi nhắc về nguồn cội – nơi vùng đất tổ thiêng liêng đặt trên ngọn núi cao 175 mét (so với mặt nước biển) với hơn 150 loài thảo mộc xanh tươi. Nơi ẩn chứa một quần thể di tích còn gọi là Đền Hùng gồm ba ngọn núi và nhiều đền cùng lăng nhỏ vây quanh . Đó là các ngọn Núi Hùng hoặc Núi Nghĩa Lĩnh( tên cổ xưa là Núi Cả ); Núi Vặn ( còn gọi là Núi Ốc Sơn; Núi Trọc (hay Bạch Đầu Sơn ) . Phía dưới là ba ngôi đền nhỏ (xây vào thế kỷ 15), gồm đền Hạ – nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng. Ðền Trung- nơi các vua Hùng lập quán xá để nghỉ ngơi và bàn việc với các lạc hầu( cũng là nơi hoàng tử Lang Liêu lần đầu tiên nghĩ ra cách gói bánh trưng, bánh dày tượng trưng cho trời đất để dâng lên vua cha nhân dịp chúc thọ ). Ðền Thượng- nơi các vua Hùng làm lễ tế Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa…

Gần 500 năm sau, sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, Thục Phán đã dựng một cột đá thề để bày tỏ tấm lòng, khí tiết của mình , quyết theo gương sáng của tổ tiên để trông nom ngôi đền và gìn giữ cơ nghiệp của Hùng nòi.

Vì họa cộng sản, dù ở cách xa nghìn dặm, nhưng với tinh thần yêu nước thương nòi theo đúng tinh thần của người Việt Nam: “nước non mãi nước non nhà” mà Cộng đồng Hải ngoại ở Sacramento, đến hẹn lại lên tìm về giỗ tổ… Hơn hai trăm mái đầu bạc ngồi kề bên nhau …Tất cả đã trở thành biến thể đang chịu phép thôi miên, niềm thành kính từ nội tâm phát tỏa thành năng lượng , gương mặt ai cũng nghiêm và lặng. Nét mặt, nét miệng ngang bằng, hiển hiện sự chú tâm chú mục theo từng tiếng chiêng, tiếng trống trầm hùng thiêng liêng trong chương trình dâng hương lên Quốc Tổ với nghi thức cổ truyền. Bài văn tế nhân ngày đại lễ giỗ đức quốc Tổ Hùng Vương của hội cao niên do bác Phan Đức Văn, trưởng ban Nghi Lễ đọc ngân lên trong sâu thẳm tâm hồn:

Nhớ ơn xưa, chúng con thiết lập bàn thờ nhang đăng hoa quả lễ vật chi nghi, kính dâng lên anh linh quốc tố, mười tám đời xây dựng nước Văn lang liệt vị anh hùng liệt nữ, chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, chứng tỏ. Cây có gốc, nước có nguồn…
Sử Việt đã ghi…

Mười tám đời vua oanh oanh liệt liệt
Gìn giữ nước, hiên ngang thay Phù Đổng diệt quân thù
Giỏi thay Mai An Tiêm lao động rời non lấp biển
Gái anh hùng nào Trưng nữ, Triệu Trinh
Trai dũng liệt nào Phùng Hưng, Lý Bí
Sóng Bạch Đằng cuồn cuộn thế Ngô Vương
Gió Như Nguyệt vang vang lời Thái Úy… “
Ngồi ngay khuôn cửa ra vào, tâm hồn tôi cũng như tất cả mọi người trong hội trường cùng hướng tới sự cao khiết muôn đời, nơi 4000 năm trước, ông bà tiên tổ mình được sinh ra, đẹp như rồng bay, phượng múa, tiên sa cá lặn. Hình ảnh mẹ Âu Cơ bay về trời để lại một dải yếm lụa dưới gốc đa làm tôi ngất ngây trong ảo giác hóa thân. Tại chính nơi mẹ bay đi, hàng trăm năm sau đã mọc lên một cái miếu thờ và cuộc chia tay thiên định giữa Mẹ Âu Cơ và người chồng cùng 50 con trai khỏe mạnh, phi thường đã biến thành một sự hy sinh vô bờ để mở mang bờ cõi cho đất tổ muôn đời rạng rỡ xanh tươi.

Đến dự ngày giỗ tổ năm nay, 200 khách “hành hương” cùng như mơ, như say với không khí trang trọng của ngày giỗ. Các hàng ghế chật kín người, phía trước là bàn thờ với ông chủ tế áo thụng vàng thêu rồng xanh, đầu ngất nghểu mũ bình thiên, sau ông là bốn ông bồi tế đứng chắp tay trước hai bên hương án, cuối cùng là Ban Nghi Lễ của làng Thái Dương Hạ, Ban Âm Thanh Lễ Nhạc của các Anh Nhân và Dũng, các Vị Cố Vấn Ngoại Vụ, Cố Vấn Nghi Lễ , toàn bộ Thành Viên Hội Đồng Quản Trị, cùng đông đảo Hội Viên và Gia đình v.v… Tất cả cùng lắng nghe lời ca, tiếng nhạc ca tụng công đức dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng, cùng bao vị anh hùng nước Nam khác trải dài suốt bốn ngàn năm

Khi tiếng trống tiếng chiêng chấm dứt, cũng là lúc tôi và cả hội trường thoát ra khỏi ảo giác, tín ngưỡng, tâm linh. Ngắm nhìn những khuôn mặt đơn chất, ngây thơ của họ, óc tôi hiện hình câu thơ:

Tóc bạc ngồi kề bên tóc bạc
Hướng về đất tổ …giữa Sac-Tô
Cội nguồn cố quốc luôn ghi nhớ
4000 năm tụ lại nơi này

Giỗ tổ dù đơn xơ mộc mạc, chỉ có bánh trưng, bánh tét , thịt gà, heo quay , hoa quả trái cây là lễ vật bà con tự tay chuẩn bị trong sự thành kính dâng lên Vua Hùng. Không kiệu rước, hát xoan, múa sư tử. Thiếu những đào nương nón thúng quai thao, áo nâu quần lĩnh rộn ràng. Thiếu cả các trò chơi dân gian như thổi cơm, gói bánh, đấu vật, cờ tướng, nhưng lòng ai cũng hướng về Cổ quốc nơi các vua Hùng có công dựng nước và giữ nước , hiện đang bị giặc Tàu lăm le xâm lấn và bọn giàu tặc vơ vét bán tống tháo tài nguyên thiên nhiên đất nước…Cùng cúi đầu cầu niệm, kính xin Anh Linh chứng giám và độ trì cho Con Dân Việt Nam mau chóng thoát khỏi họa cộng sản, cùng nhau Hạnh Phúc Tương Đồng.

Phát biểu về ngày này, hội trưởng hội cao niên– ông Trần Gia Tường nói:“ Mỗi năm một lần, ngày giỗ Tổ lại trở thành một lời hiệu triệu quy tụ trái tim của con dân nước Việt hướng về cha ông tiên tổ. Hồn thiêng sông núi đang hội tụ về đây, để chứng kiến tình đồng bào của người dân nước Việt nói chung cũng là cộng đồng Sacramento nói riêng, dẫu trải qua bao biến động ở đời, người đi, kẻ ở, người chết, kẻ sống…vẫn mãi son sắt rạng ngời.

Bác Huỳnh Hóa, Chủ Tịch Ủy Ban Người Việt Sacramento Yểm Trợ Đấu tranh Dân Chủ cho Quốc Nội.cũng đăm chiêu bày tỏ: Đây là một trong những truyền thống tốt dẹp của dân tộc Việt Nam , để con cháu mai sau luôn có ý thức hướng về Tổ tiên, cội nguồn của mình. Mỗi năm một lần, ngày giỗ tổ đều được hội cao niên thành kính thực hiện , kêu gọi bà con cùng về tụ hội, thắp nén nhang lên bàn thờ Vua Hùng để tưởng nhớ tới công lao dựng nước và giữ nước của tiền nhân. Điều này với mỗi hội viên trong hội cao niên chúng tôi đều có giá trị nhân văn sâu sắc, được phát khởi từ mối thiện tâm trong mỗi con người, cũng là một phong tục, tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam ta.

Bác Minh Đạo – người tham gia lễ hội đều đặn mỗi năm, gặp tôi ở cửa cũng vui vẻ tâm sự: “Đến với Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ đơn thuần là nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc mà còn ở tính thiêng liêng của một cuộc hành hương trở về cội nguồn dân tộc của các thế hệ người Việt Nam ta Bởi đến hội, mỗi người đều biểu hiện một tình thương yêu, lòng ngưỡng mộ với quê cha đất tổ. Ðây là một tín ngưỡng đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam, cho dù ở bất cứ nơi đâu:

Quả là
Dù cho xa cách nghìn trùng,
Hồn tan vào cõi vua Hùng thưở xưa...

Sacramento 3-4-2012

© Trần Khải Thanh Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét