Từ 66 năm nay, cái gọi là chủ nghĩa Mác – Lênin đã trở thành quốc giáo, được
khẳng định trong Hiến pháp và hiện vẫn còn chiếm 15% thời trình bắt buộc của mỗi
sinh viên đại học. Thời Trung cổ, môn thần học Công giáo, bị bắt buộc giảng dậy
ỏ Đại học Sorbonne cho sinh viên toàn cõi Âu châu cũng không chiếm một thời
lượng lớn như vậy.
Có điều là từ thày đến trò ít người biết, hay có biết cũng không dám nói, là
Staline đã bày đặt ra cái chủ nghĩa này sau khi Lénine chết năm 1924, để nhân
danh nó triệt tiêu những phần tử bị nghi ngờ là chống đối hay muốn tranh giành
quyền hành với mình.
Thật ra, ngay cả cái mà mọi người từ trước tới nay vẫn coi là chủ nghĩa
Marxiste cũng không bao giờ là một chủ nghĩa mà chỉ là một hệ tư
tưởng. Hệ tư tưởng này được Marx và Engels trình bày trong bản
Tuyên ngôn Cộng sản năm 1848 và trong cuốn Tư bản luận mà 2
người là đồng tác giả, nên có thể gọi nó là hệ tư tưởng Marx-Engels.
Sáu năm sau khi Marx mất, Engels hoàn chỉnh nó để tạo ra một chủ nghĩa gọi là
Dân chủ – Xã hội. Một vài khái niệm của hệ tư tưởng này đã bị Lénine,
một lãnh tụ của đảng Dân chủ-Xã hội Công nhân Nga (PSDOR) nằm trong đệ Nhị Quốc
tế Dân chủ-Xã hội do Engels sáng lập, đánh tráo để sử dụng như một công cụ cướp
quyền giữ quyền sau Cách mạng 1917. Có thể nói, thừa kế chính thống của hệ tư
tưởng Marx-Engels là những chế độ Dân chủ – Xã hội ở Âu châu và ở nhiều nước
trên thế giới (Nhật Bản, Úc… ) hiện giờ. Việt Nam muốn đạt được dân chủ phải
thoát khỏi cái tròng Mác – Lê, trở về với tư tưởng Marx – Engels trước khi đi
đến một thể chế Dân chủ -Xã hội như các nước kể trên.
Nhưng không thể giải thích tại sao một hệ tư tưởng có thể chi phối nền chính
trị của một phần ba nhân loại từ đầu thế kỷ thứ XX cho đến nay, nếu không biết
qua về thân thế, sự nghiệp của những nhân vật đã sáng tạo ra nó hay đã mạo danh
nó trong những mưu đồ chính trị của mình: Marx, Engels, Lénine, Staline.
Tôi xin chia bài viết làm 3 phần:
1) Kể qua thân thế Marx, Engels, Lénine, Staline.
2) Lược qua những khái niệm chính trong tư tưởng Marx – Engels. Tìm hiểu
Lénine, Staline đã đánh tráo nó như thế nào.
3) Chứng minh thừa kế chính thống của tư tưởng Marx – Engels là những chế độ
Dân chủ – Xã hội.
1) Thân thế Marx, Engels, Lénine, Staline :
Marx (1818-1883) sinh ở hạt Rhénanie nằm ở gianh giới giữa
Pháp và Đức, thuộc Pháp từ Cách Mạng 1789. Đến năm 1815 khi Napoléon thua trận,
hạt này thuộc về nước Phổ.
Là dòng dõi một vọng tộc gốc Do Thái có nhiều người làm giáo sĩ tuy sau cả
gia đình đều rửa tội theo đạo Phản thệ. Cha của Marx là luật sư. Kết hôn với
Jenny Von Wesphalen thuộc dòng dõi quí tộc Phổ có anh là bộ trưởng bộ Nội vụ
trong chính phủ Hoàng gia. Marx được giáo dục theo chuẩn mực của những gia đình
thượng lưu Âu châu thời ấy, lấy văn minh Hi Lạp, La Mã và văn hóa Pháp làm căn
bản. Là một người rất thông thái: Trước học luật để nối nghiệp cha. Sau bỏ luật
học triết, làm luận án tiến sĩ triết học bằng tiếng cổ Hi Lạp với đề tài là
“Sự khác biệt về triết lý thiên nhiên giữa Democrite và Epicure”. Marx
quen sống trong tháp ngà, công việc thất thường chỉ lo viết sách nên đời sống
kinh tế gặp nhiều khó khăn tuy lúc đầu được gia đình bên vợ chu cấp, sau chỉ còn
Engels giúp đỡ. Có đời tư khá bê bối, đẻ con rơi với một người nữ quản gia được
gia đình vợ gửi qua Anh nuôi mấy đứa con của Marx. Engels là ngườiphải nhận làm
con mình để tránh tai tiếng cho Marx.
Engels (1820-1895) Sinh cùng hạt Rhénanie với Marx trong một
gia đình tư bản siêu quốc gia có nhiều xưởng dệt ở Đức và ở Manchester (Anh).
Học Triết Hegel như Marx và cũng thông thái như Marx, nhất là về ngoại ngữ,
thông thạo 15 thứ tiếng, không kể tiếng Latin và tiếng cổ Hi Lạp mà giới trí
thức Âu châu thời ấy đều phải biết. Trái với Marx, Engels là người thực tế chịu
làm quản lý trong những xưởng dệt của gia đình, nhờ vậy mà có phương tiện tài
chính hoạt động chính trị giúp đỡ giới công nhân. Engels cũng là người “lời nói
đi đôi với việc làm” khi chung sống với một nữ công nhân (Lydia Burn) cho đến
khi chết và cũng dấn thân tham dự những trận đánh chống quân đội nước Phổ khi
Cách mạng năm 1848 từ Pháp lan tràn qua Đức. Engels quen Marx từ năm 1842 và bắt
đầu từ năm 1847 viết chung với Marx, đặc biệt là 2 cuốn Tuyên ngôn của đảng
Cộng sản và cuốn Tư bản luận.
Cùng một sinh quán, cùng chịu ảnh hưởng của các nhà khai sáng và các nhà cách
mạng Pháp, cùng chung nhau một đời sống tinh thần và vật chất, Engels và Marx
còn hơn cả Lưu Bình Dương Lễ thời xưa, nên về tư tưởng, khó mà phân biệt được
phần nào của Marx phần nào của Engels.
Lénine (1870- 1924)
Con một ông thanh tra học vụ của Nga Hoàng mang 2 dòng máu Nga và Kalmouke
(Mông Cổ) theo đạo Phật. Ông này có công “Nga hóa” dân tộc của mình nên được Nga
Hoàng phong cho một tước nhỏ trong hàng quí phái nhưng phải rửa tội theo đạo
Chính thống. Phía bên mẹ Lénine cũng có máu Đức và máu Do Thái và cũng phải cải
đạo từ đạo Phản thệ của Đức qua đạo Chính thống. Vì vậy trong người Lénine có đủ
mọi thứ máu, đủ mọi thứ đạo. Lénine tốt nghiệp luật sư năm 1891. Thành tích cuộc
đời “cách mạng” của Lénine là 1 năm tù và 3 năm bị quản thúc (1897-1900) trong
làng của ông nội mình ở Sibêri sau khi ở Thụy Sĩ về (1895) vì có chân trong một
hội kín. Nhưng trong thời gian bị quản thúc, có mẹ ở bên cạnh, được cung cấp
sách vở tự do viết lách, được quyền lập gia đình để cùng chung sống với nhau
(1898). Vợ Lénine, Nadejda Kroupskaia cũng con một sĩ quan thuộc dòng quí phái.
Sau khi lập gia đình và từ năm 1900 trở đi, luôn luôn sống ở Genève và Paris.
Khi ở Paris, Lénine còn đèo thêm một người tình là Elisabeth ( Inessa) Armand.
Vợ và người tình ở 2 nhà cạnh nhau cùng đường Campagne Première khu nghệ sĩ
Montparnasse. Lénine hàng ngày ra quán Closerie des Lilas (vẫn nổi tiếng cho đến
tận bây giờ) nhậu nhẹt với giới thượng lưu trí thức Pháp, bàn về giai cấp công
nhân. Tháng Tư năm 1917, Lénine được Đức đem xe bọc sắt có bảng ngoại giao đem
từ Thụy sĩ xuyên qua Đức về Moscou. Vì vậy mà có tin đồn Lénine được Đức trợ cấp
2 triệu Đức mã để đảng Bolchevik của Lénine làm cuộc đảo chính chống chiến
tranh, đòi hòa bình với Đức. Khi Lénine chết năm 1924, có nhiều bằng chứng y
khoa khẳng định Lénine chết vì biến chứng của bệnh giang mai được chữa chạy từ
năm 1895. Khi trở về Nga, Lénine đem cả vợ và Inessa Armand về cùng ở với nhau.
Khi còn ở Pháp cả 3 cũng có nhiều lần ở chung với nhau trong một ngôi nhà nghỉ
của Lénine ở ngoại ô Paris. Trong cuốn hồi ký “Đời sống của tôi với Lénine”,
Kroupskaia có kể lại và ca tụng người tình của chồng mình: “khi Inessa bước chân
vào nhà, căn nhà bỗng nhiên bừng sáng”. Năm 1920 khi Inessa mất vì bệnh dịch tả,
Lénine buồn vô hạn và cho chôn ở Công Trường Đỏ dưới tường thành điện Kremlin.
Inès Armand là người đàn bà Pháp duy nhất được chôn ở Công Trường Đỏ.
Staline (1879-1924)
Là người ít học nhất. Bị cha nghiện rượu đánh đập suốt ngày nên người mẹ phải
gửi từ năm 14 tuổi cho mấy cha cố nuôi mong sau này đi tu trở thành cha. Năm 19
tuổi không chịu đi thi, bị đuổi khỏi tiểu chủng viện làm người mẹ rất buồn bực.
Sau này, khi công thành danh toại, Staline trở về làng thăm mẹ, khoe với mẹ là
mình bây giờ đã thay Sa hoàng. Người mẹ chỉ trả lời, tao thích mày làm cha cố
hơn. Staline giận tím người đến khi mẹ chết cũng không về đưa đám. Staline tuy
vậy vẫn giữ nề nếp tổ chức của Giáo hội, biến đảng cộng sản thành một thứ giáo
hội mà mình là giáo chủ. Cái giáo hội Cộng sản này có nhiều người “tử vì đạo”
nhất vì bàn tay của Staline.
2) Những khái niệm chính trong tư tưởng Marx – Engels. Lénine, Staline đã
đánh tráo nó như thế nào
Marx đã nhiều lần tự nói “tôi không phải là người Marxistes” và cũng tự than
“Là một nhà kinh tế, vậy mà tôi không lo nổi kinh tế cho chính bản thân
mình”.
Ngay cả danh từ “cộng sản” cũng không phải do Marx đặt ra mà là của Engels:
Năm 1847 Marx thảo một bản đả kích (un pamphlet) trong đó Marx nhân danh những
người Công chính (les Justes) lặp lại gần như toàn thể những nguyên lí Cộng sản
của Engels. Engels góp ý với Marx là phải trình bày làm sao cho thật dễ hiểu và
phải tìm một nhan đề thật kêu để lôi cuốn. Bài đả kích của Marx được biến thành
một bản Tuyên ngôn (Manifeste): Tuyên ngôn của đảng Cộng sản. Thật ra
hồi đó chưa có đảng cộng sản mà chỉ có “Liên đoàn những người cộng sản” mà tên
đầu tiên là “Liên đoàn những người công chính”
(Ligues des Justes). Ngay cả câu “Vô sản mọi xứ trên toàn cầu hãy hợp nhất
lại” cũng là theo ý của Engels chứ mới đầu Marx chỉ muốn đưa ra châm ngôn
như Khổng Tử “Mọi người đều là anh em“. Có lẽ Marx vẫn chịu
ảnh hưởng của câu “Tự do, Bình đẳng, Huynh đệ” của Cách mạng Pháp.
Qua những phát hiện mới nhất, trong 4 tập của cuốn Tư bản luận, Marx chỉ viết
có tập đầu. Tôi xin kể lại lai lịch của những cuốn sau:
Bắt đầu từ năm 1865 Marx đã bỏ nhiều công sức viết cuốn Tư bản luận. Nhưng
chỉ có tập đầu xuất bản năm 1875 (và được dịch ngay ra tiếng Pháp) là có sự kiểm
tra của Marx. Tập 2 xuất bản năm 1885 và tập 3 xuất bản năm 1894 được biên soạn
bởi Engels. Tập 4 do Karl Kautsky (1854-1938), 1 lãnh tụ của đảng Dân chủ- Xã
hội Đức biên tập và xuất bản năm 1905-1910. Tuy nhiên mới đây người ta đã công
bố các tập sau của bộ Tư bản luận mà David Ryazanov (một học giả Bôn sê víc bị
Stalin xử bắn năm 1938) dịch từ bản thảo viết tay của Marx có rất nhiều khác
biệt khi so sánh với các tập Tư bản luận mà Engels biên soạn, thậm chí có nhiều
đoạn đã bị Engels thay đổi. Điều này khiến có thể đặt câu hỏi, trong bộ Tư bản
luận được biết hiện giờ phần nào thật sự do Marx viết, phần nào do Engels tu bổ,
đổi nghĩa? Cũng cần phải nói thêm rằng bộ Tư bản luận xuất bản ở Liên Xô từ thời
Staline, và có lẽ bây giờ vẫn còn được giảng dậy trong những trường Đảng ở Việt
Nam qua bản dịch của nhà Xuất bản Tiến bộ ở Moskva, sau này được nhà Xuất bản Sự
Thật (nay là nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia trực thuộc TW ĐCSVN) nối bản, chỉ
là một “version” đã bị chỉnh lý lại theo ý Staline.
Bởi vậy có thể khẳng định: Những khái niệm về kinh tế- chính trị trong
Tuyên ngôn của đảng Cộng Sản và trong mấy tập sau của Tư bản luận là những tư
tưởng của cả Marx và Engels.
a) – Những khái niệm thuần triết học của Marx :
Những khài niệm thuần triết học này được Marx trình bầy trong “Những bản
viết tay 1844″ (Les Manuscrits de 1844). Hai khái niệm chính là:
Biện chứng : Marx là một triết gia dùng biện chứng pháp để
suy luận như nhiều triết gia Cổ Hi Lạp cách đây 2500 năm. Biện chứng pháp tương
đồng với Âm/Dương trong Kinh Dịch. Thật ra Biện chứng của Marx chỉ là biện chứng
của Hegel và phải được hiểu như một chuyển tiếp đi từ luận đề đến
phản luận đề rồi đến hợp đề và đòi hỏi luôn luôn phải vượt qua những mâu
thuẫn. Nhưng Marx khác với Hegel ở chỗ là biện chứng Hegel là biện chứng
tinh thần (Ý tưởng), còn biện chứng Marx là biện chứng của vật chất.
Tha hóa sức lao động (Die entfremdete Arbeit). Vong
thân (Enttausserung): Trong thế giới tư bản, người lao
động phải bán rẻ sức lao động của mình nên luôn luôn có ấn tượng sản phẩm do
công sức mình tạo ra xa lạ (tha hóa) với chính mình. Con người chỉ khác con vật
ở chỗ tạo ra sản phẩm bằng sức lao động. Khi sản phẩm của sức lao động bị tước
đoạt, trở thành xa lạ với người làm ra nó thì người đó cũng trở thành xa lạ với
chính mình, không thấy mình là mình nữa như đã ra khỏi mình (vong thân). Marx
chỉ nhái Hegel: theo Hegel, vong thân là tinh thần của mình trở thành xa la như
đã ra khỏi bản thân mình.
Duy vật lịch sử : Những mối liên quan trong sản xuất phụ
thuộc vào những lực lượng vật chất. Toàn bộ những tương quan sản xuất này kiến
trúc kinh tế của xã hội, tạo cơ sở cho pháp lý và chính trị. Nói tóm lại
kinh tế là hạ tầng cơ sở, chính trị chỉ là thượng tầng kiến trúc. Những
mâu thuẫn thường trực giữa những quan hệ sản xuất và những lực lượng sản xuất là
nguồn gốc của những đảo lộn trong lịch sử. Ý thức con người
cũng chỉ là ý thức những quan hệ đó và tạo ra con người.
b) – Những khái niệm Xã hội – Kinh tế của Marx và Engels:
Đấu tranh giai cấp: Theo Marx và Engels, “đấu tranh” chỉ có
nghĩa là sự đối nghịch giữa những lớp ngườI (classes) đứng cùng một vị
trí trong sàn xuất xã hội. Hai lớp người đối nghịch nhau trong thời Marx và
Engels là lớp người nắm phương tiện sản xuất mà Marx gọi là
la classe bourgeoise (lớp người thành thị) và le Prolétariat, lớp
người làm công ăn lương. Lớp người “làm công ăn lương” không phải là những
người không có của cải (vô sản) hay những người nghèo, mà chỉ có nghĩa là phải
bán công việc của mình để được trả lại bằng một đồng lương nhất định. Theo định
nghĩa này, người Prolétaires là những người công nhân. Thời cổ
La Mã, người prolétaires có nghĩa khác: công dân hạng thứ 6, đứng trên những
người nô lệ. Nô lệ cũng không có nghĩa là nghèo hèn nhất trong xã hội mà chỉ có
nghĩa là bị mất tự do vì có người nô lệ là triết gia, thày học hay thày thuốc,
bị mất tự do vì là công dân của những nước thua trận bị người La Mã bắt đem về.
Những từ ngữ “đấu tranh”, “giai cấp”, “tư sản”, “vô sản”… là những chữ Tàu dịch
bậy. Tôi đã có lần viết “Dịch là cái họa” trong Talawas. Cái “họa dịch” này đã
làm Việt Nam khổ cực từ 66 năm nay!
Chuyên chính vô sản: Từ ngữ “chuyên chính” được Babeuf
(1760-1797) dùng từ trước thời Cách mạng 1789 Pháp. Còn thành ngữ “chuyên chính
vô sản” cũng không phải do Marx và Engels đặt ra vì lần đầu tiên được nghe nói
tới là trong cuộc Cách mạng 1848. Marx và Engels định nghĩa “chuyên chính vô
sản” là lớp người đông nhất trong xã hội (dưới thời Marx-Engels là lớp người thợ
thuyền) cần được tổ chức để trở thành lớp người nắm ưu thế (classe dominante)
chính trị và lên cầm quyền. Marx và Engels chỉ theo đúng quy định dân chủ là
chính quyền phải thuộc về thành phần đông nhất trong xã hội. Lẽ tất nhiên là
trong xã hội ngày nay, lớp người công nhân không còn là đa số trong xã hội nữa
và ưu thế chính trị phải thuộc về những lớp người khác thông qua bầu cử.
Lénine đã bóp méo những khái niệm của Marx và Engels như thế nào
?
1) Lénine đã phản bội Engels khi tách phái Bônsêvích ra khỏi
đảng Dân chủ-Xã hội Công nhân Nga nằm trong Đệ Nhị Quốc tế Dân chủ-Xã hội của
Engels, biến phái này thành một đảng và sử dụng nó như một công cụ để cướp
quyền, giữ quyền.
2) Sau Cách mạng tháng 10, Lénine đã đánh tráo khái niệm chuyên chính
vô sản của Marx khi phong đảng Bôn sê vích là đảng tiền phong của giai
cấp vô sản, là đảng độc nhất lãnh đạo giai cấp vô sản nắm quyền lực nhà nước,
trấn áp giai cấp tư sản, thống trị chính trị. Chế độ độc đảng lãnh đạo toàn trị
ra đời. Những từ ngữ “đảng tiền phong “, “trấn áp”, “thống trị” không có trong
tư tưởng Marx-Engels: Lénine đã tự đặt ra để định nghĩa nền chuyên chính của
mình. Nhà nữ cách mạng marxiste Rosa Luxembourg coi Lénine như là kẻ đã phản
bội Marx khi áp đặt chế độ chuyên chính vô sản này. Những lý thuyết gia
Marxistes khác thì cho chuyên chính vô sản của Lénine chỉ là “chuyên chính trên
người vô sản” hay chỉ là một nền “tư bản Nhà nước”.
3) Nhưng ngay các đảng viên Bôn sê vích cũng bị Lénine tước quyền dân chủ khi
Lénine đặt ra cái gọi là Tập trung dân chủ. Theo cách diễn
giảng của Lénine: “Dân chủ là các đảng viên được quyền bầu các cơ quan
lãnh đạo và các bí thư các cấp. Tập trung là những quyết định của tổ
chức đảng cấp trên là bắt buộc với các tổ chức đảng cấp dưới và cuối cùng các
đảng viên phải chấp hành không có tranh cãi chống đối”. Không cần phải nói thêm,
đảng viên nào cũng thừa biết quyền tự do bầu cử của các đảng viên là “cấp trên”
bảo bầu ai thì bầu người ấy. Cấp trên (3-4 người trong ban thường vụ bộ Chính
trị) ra quyết định thì phía dưới từ ủy viên trung ương trở xuống chỉ việc chấp
hành.
Khi bịa đặt ra cái chủ nghĩa Mác – Lênin, Staline không những đã bôi nhọ
tư tưởng Marx – Engels ,mà còn sử dụng nó như một công cụ để củng cố chế độ độc
tài cá nhân của mình
Ác giả ác báo: Trước khi chết Lénine đã để di chúc nói rõ Staline là con
người tàn bạo, cần phải kiếm người khác thay thế. Nhưng những thân tín của
Lénine chưa kịp ra tay thì đã bị Staline giết hết. Chỉ trong một thời gian, cả
bộ Chính trị của Lénine bị giết không còn một người nào. Đó cũng là số của nước
Nga gặp phải hung thần chứ trước khi chết Lénine đã hối hận, tái lập lại cái gọi
là Kinh tế chính trị mới (NEP, Nouvelle Économie Politique). Nếu Lénine còn sống
thêm vài năm nữa, có thể Lénine sẽ trở về với chế độ Dân chủ Xã hội của
Engels.
Cái định nghĩa đúng nhất về Mác-Lê Nin là của Souvarine, một người Marxiste
theo phe Lénine chống lại Staline và là một trong những sáng lập viên của đảng
Cộng sản Pháp: “Chủ nghĩa Mác – Lê Nin chỉ là một cách nói láo
khoét được Staline đặt ra sau khi Lénine chết để che giấu những thủ đoạn quái gở
của mình. Thực ra nó đồng nghĩa với chủ nghĩa Stalinit, ngược với luận thuyết
của Marx và chỉ làm lố bịch những ý tưởng của Lénine“. Souvarine cho cái
chủ nghĩa Stalinit chỉ là một cái chủ nghĩa Tư bản Nhà nước (Capitalisme
d’État).
Nói tóm lại, Staline cũng như mọi nhà độc tài trên thế giới từ thượng cổ chí
kim như Néron, Tần thủy hoàng, Mao, Pôn Pốt… không có chủ nghĩa nào cả ngoài lấy
lại một vài từ ngữ thật kêu để lấy nó làm thần chú cho những chính sách tàn bạo
của mình. Staline cũng chỉ coi đảng cộng sản Bôn xê vích và Đệ Tam Quốc tế của
Lénine như những công cụ nên không ngần ngại thanh trừng triệt tiêu bất cứ ai
trong những tổ chức này bị nghi ngờ là có ý chống đối mình, kể cả những lãnh tụ
cộng sản những nước nằm trong đệ Tam Quốc tế.
Từ ngữ “Chuyên chính vô sản” cũng bị Staline gạch bỏ luôn trong bản Hiến pháp
sửa đổi năm 1936.
3) Thừa kế chính thống của tư tưởng Marx – Engels là các nền dân chủ – xã
hội
Nói là thừa kế chính thống vì chính Engels là người đã cập nhật tư tưởng của
mình và của Marx trong bản Tuyên Ngôn Cộng sản năm 1848 cho hợp với hoàn cảnh
kinh tế xã hội ở Tây Âu 40 năm sau, khi sáng lập Đệ Nhị Quốc tế Dân chủ – Xã
hội năm 1889 và thay Tuyên ngôn Cộng sản bằng Tuyên ngôn Nhân
quyền của Cách mạng 1789 Pháp. “Nhân quyền” này phải được hiểu theo nghĩa
rộng là nhu cầu căn bản về vật chất và tinh thần mỗi con người (chứ không
phải chỉ giới công nhân) phải được bảo đảm.
Engels rút kinh nghiệm sự thất bại của những đấu tranh bạo động ở Pháp từ
1848 đến 1871 được Marx phân tích trong cuốn Đấu tranh giai cấp ở Pháp,
nhận thấy là không thể cứ tiếp tục đấu tranh bạo động mà phải đi theo
con đường đấu tranh ôn hòa từng bước một với điều kiện là phải phát triển và
tăng cường các công đoàn và các đảng công nhân cho ngang sức với các tập đoàn
chủ nhân.
Đệ Nhị Quốc Tế Dân chủ – Xã hội có nhiệm vụ tập hợp mọi tổ chức như các công
đoàn, các đảng Dân chủ – Xã hội của mọi nước trên thế giới.
Các công đoàn, các đảng Dân chủ – Xã hội nằm trong đệ Nhị Quốc tế được Engels
phân công rõ ràng:
Về mặt xã hội, tập hợp công nhân trong những tổ chức, những công
đoàn có đủ sức mạnh bắt buộc giới chủ nhân phải chấp nhận những yêu cầu lương
bổng, điều kiện làm việc của mỗi công nhân và những cải thiện đó phải được bảo
đảm bởi những công ước tập thể.
Về mặt chính trị, các đảng dân chủ -xã hội chấp nhận thể chế đại
nghị (đa đảng), cử đại diện của mình thông qua bầu cử, kể cả ở những cấp bậc
thấp nhất (dân chủ). Và nếu giành được đa phiếu trong Quốc hội thì sẽ trực tiếp
cầm quyền chính trị. Còn nếu không thì cũng sẽ làm áp lực để cải tổ các cơ chế
xã hội, chính sách đóng góp chi thu, chính sách thu thuế theo lũy tiến để phân
phối lại lợi tức một cách công bằng hơn, thông qua các hình thức giảm thuế, miễn
chi phí cho các tầng lớp cần lao. Trong chế độ dân chủ xã hội, Nhà nước giữ vai
trò trọng tài xã hội, giám sát, điều hòa thị trường kinh tế, truy thu và phân
phối lợi tức qua thuế má, nhờ vậy mà chênh lệch giầu nghèo không quá lớn và đa
số những thành phần trong xã hội thuộc về hạng trung lưu nên ít có những xung
đột giữa các tầng lớp trong xã hội.
Về mặt kinh tế, quyền tự do kinh doanh phải được bảo đảm vì đó là
đầu mối của mọi tiến triển kinh tế.
Nhưng cũng phải nói, cho đến tận giữa thế kỷ thứ XX, các đảng Dân chủ – Xã
hội Âu Tây, tuy đã bỏ con đường đấu tranh bạo động, nhưng vẫn còn tiêm nhiễm tư
tưởng kinh tế chính trị tập trung của Marx. Đảng Xã hội Pháp cho đến tận đầu
năm 80 vẫn còn mang tên “Phân bộ Pháp Quốc tế Thợ thuyền” (SFIO). Khi Mitterrand
thắng cử lên cầm quyền năm 81, vẫn liên kết với đảng Cộng sản, thành lập chính
phủ liên hiệp cùng với các đảng phái tả khác và đưa ra chương trình quốc hữu hóa
những nhà Ngân hàng và những xí nghiệp công nghệ lớn (thật ra bắt đầu từ De
Gaulle ngay sau Thế chiến thứ Hai). Đảng Dân chủ – Xã hội đầu tiên chính thức từ
bỏ kinh tế chính trị Marxiste là đảng Dân chủ- Xã hội Đức sau Hội nghị Bad
Godesberg năm 1959, khi thông qua Cương lĩnh Godesberg. Đa số các đảng
Dân chủ – Xã hội cũng theo gương, cắt đứt lần lần mọi ràng buộc với tư tưởng
kinh tế thuần Marx. Vả lại xã hội cũng trở thành phức tạp với nhiều thành phần,
nhiều lobbies chống đối nhau chứ không phải chỉ có hai giai cấp như hồi Marx. Vì
vậy các đảng Dân chủ – Xã hội lần lần trở thành những đảng đa thành phần gồm
nhiều tầng lớp nhân dân và trí thức chứ không phải chỉ là đảng của giai cấp thợ
thuyền. Có thể nói, bắt đầu từ nửa sau thế kỷ thứ XX, ý tưởng dân chủ xã hội là
động cơ của những cải cách ở các nước Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng như ở Nhật Bản và
Úc… Các thể chế Dân chủ – Xã hội này cũng chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết
Keynes, dành cho Nhà nước quyền can thiệp tạm thời về kinh tế để tránh khủng
hoảng như đưa ra những chính sách đầu tư và tiết kiệm của Nhà nước.
Kết luận
Chắc chắn sẽ có nhiều vị chống cộng “mút mùa”, từ trước tới nay vẫn cho Marx
là nguồn gốc của “tai ương cộng sản”, sẽ cho tôi là muốn tô bóng Marx để bào
chữa cho chế độ. Nhưng cũng có những vị thuộc Ban Tuyên giáo cho tôi là theo
“chủ nghĩa xét lại” hay là người nham hiểm muốn lấy gậy ông (Marx-Engels) đập
lưng ông (Mác-Lê). Tôi chỉ xin thưa là những gì nói về Marx là tôi lấy ở trong
một cuốn Triết học của lớp 12 các trường Pháp mà mọi học sinh thi Tú tài nào
cũng phải học (nghĩa là 85% lớp tuổi của mỗi thế hệ trẻ Pháp). Thật ra ở Việt
Nam muốn học Marx chính cống chỉ cần lấy lại những bài giảng về triết học
Marxiste (nếu chưa bị đốt hết) được diễn giảng ở những trường Đại học miền Nam
ngày trước.
Điều tôi mong muốn cho đất nước là: Cũng như “Đổi mới Kinh tế” là trở lại nền
kinh tế cũ, “Đổi mới chính trị” cũng phải trở về với những tư tưởng của
Marx-Engels chính thống để có thể thoát khỏi cái tròng Mác xít giả hiệu là cái
chủ nghĩa Mác-Lê, trước khi đi đến thể chế “Dân chủ Xã hội” theo con đường của
đa số các nước dân chủ trên thế giới.
© Phong Uyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét