Trang

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Sự khốn cùng của tư duy giáo dục

Tôi giật mình khi nhìn thấy bài: “Teen Chu Văn An bỡ ngỡ với việc lắp camera… toàn trường”. Bài viết này chắc là do một học sinh thực hiện, có đoạn: “Gần đây, teen THPT Chu Văn An (Hà Nội) đang xôn xao về việc lắp hệ thống camera theo dõi ở khắp mọi nơi trong trường. Việc lắp camera trong trường học không phải là vấn đề quá mới mẻ với học sinh và các bậc phụ huynh. Điển hình là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thí điểm lắp một số camera tại các hội đồng thi trong các kì thi Quốc gia. Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có thể áp dụng công nghệ này, bởi chi phí của nó quá lớn. Còn với trường THPT Chu Văn An, hệ thống này được hoàn tất lắp đặt cách đây một tháng nhưng mới được đưa vào sử dụng vào đầu tháng 4 này.


Đi dạo một vòng quanh trường, chúng tớ cũng đếm được sơ sơ có khoảng… 30 chiếc camera lắp ở khắp mọi nơi trong trường. Camera được đặt ở nhiều vị trí, các khu vực khác nhau như trong hành lang của các nhà học, nhà gửi xe, phía sau trường và cả… trên cây nữa. Thậm chí Ban Giám hiệu nhà trường THPT Chu Văn An còn sắp triển khai lắp hệ thống này ở toàn bộ các lớp học cơ nhé. Bình thường công tác an ninh của trường THPT đã rất chặt rồi, từ khi hệ thống camera này được đưa vào sử dụng thì tất cả mọi thứ đều đi vào tầm kiểm soát. Chúng tớ đã rất khó khăn để vào trường chụp lại những chiếc camera này đấy!

Tôi thật sự không thể hiểu tại sao một trường danh tiếng như trường Chu Văn An, giữa Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, lại có cách nghĩ, cách làm giáo dục kỳ cục như vậy! Đây chỉ là một trong hàng trăm những cách nghĩ, cách làm thể hiện sự khốn cùng của tư duy giáo dục nước nhà!

Có lẽ hệ thống camera của trường này nên chuyển cho trại giam, mà phải là một trại giam những tội nhân đặc biệt nguy hiểm kia!

Trường Chu Văn An

Một khi người ta phải thuê thám tử theo dõi vợ hay chồng mình, nghĩa là tình yêu đã chết! Cha mẹ rình rập con, thuê người theo dõi con, nhất là khi con đã 17 – 18 tuổi thì thật là bất hạnh, giáo dục gia đình đã bất lực; thầy trò trong nhà trường đặt camera theo dõi nhau thì giáo dục đã thất bại. Bản chất của giáo dục là hình thành ở học sinh những giá trị chân, thiện, mỹ, ích, cũng có nghĩa là loại bỏ cái gian dối, giả tạo, cái ác, cái xấu, cái vô ích, vô nghĩa… bằng con đường tự lĩnh hội, tự trải nghiệm, suy ngẫm, tự điều chỉnh … dưới sự dẫn dắt của thầy – người mang trong mình những giá trị văn minh của nhân loại. Quan hệ thầy trò phải dựa trên sự trung thực, tin cậy lẫn nhau.

Từ nhà giáo dục Platon (427 – 347 TCN) ở phương Tây đến Khổng Tử (551 – 479 TCN) ở phương Đông, cho đến các nhà giáo dục nổi tiếng ngày nay đều đặt giáo dục trên cơ sở tự giác và ham thích của người học, quan hệ thầy trò dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau… A. Makarenko đã giáo dục những trẻ em lang thang bụi đời thành công, trong đó có nguyên tắc “Tự nguyện” và “Yêu cầu cao đối với học sinh phải đi đôi với tôn trọng học sinh”… Ông đã cho “mở cổng trại” để không ép buộc, em nào thấy ích lợi, tự nguyện chấp hành nội quy của trại thì ở, em nào không chịu thì tự do ra đi. Nhiều em đi rồi lại xin quay về… Bản chất của giáo dục khác với cưỡng chế cải tạo của công an là ở chỗ đó. Mỗi thời một khác, nhưng những nguyên tắc nói trên của Makarenko vẫn còn nguyên giá trị: Thầy trò phải có quan hệ trung thực, tự nguyện, tin cậy nhau giáo dục mới thành công, nhất là khi học sinh đã 16 – 17 tuổi – cái tuổi đã đủ các tiền đề sinh lý, tâm lý, xã hội để tự ý thức, tự đánh giá, tự điều chỉnh hành vi theo những chuẩn mực của tập thể, xã hội. Học sinh chưa có được trình độ phát triển ấy thì nhiệm vụ của nhà giáo dục phải giúp học sinh đạt đến sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi của các em, bằng sự tôn trọng, tin tưởng chân thành chứ không phải bằng các thủ đoạn phản giáo dục.

Nhưng thôi! Những điều phân tích như thế, sách giáo khoa giáo dục đã đều viết cả. Vấn đề là những người làm giáo dục không cần đến những thứ đó, họ có cách nghĩ và làm giáo dục y như ông Đinh La Thăng làm giao thông hay Chính phủ chỉ đạo làm kinh tế vậy. Nghĩ là làm, làm bất chấp mọi quy luật, mọi hậu quả! Cái nguy hiểm, đáng sợ là giao thông hay kinh tế, hậu quả của những sai lầm thường sớm thấy, còn giáo dục thì những sai lầm không dễ thấy ngay, nhưng hậu quả có thể di hại cho nhiều thế hệ.

Cách làm của trường Chu Văn An phản ánh phương cách giáo dục hiện nay là theo kiểu tuyên giáo + công an.

Tuyên giáo thì cứ nghĩ và nói những điều mình cho là quan trọng, cấp thiết, bắt người khác phải nghe, nghe đúng “lề phải”. Còn người ta có cần không, có muốn nghe không, nghe có hiểu không, có tin không, có làm theo không… không cần biết! Người nói có thể cũng biết chẳng tác dụng gì, nhưng không có cách nào hơn, nên cứ nói, cứ viết, làm như là khoán việc; càng làm càng tạo nên sự trơ ỳ, vô cảm, khó chịu cho người nghe. Nên có học sinh nói: “Em sợ nhất là buổi chào cờ sáng Thứ hai, phải nghe nhận xét…”. Còn sinh viên Đại học thì sợ nhất môn Lý luận chính trị “Các nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin”.

Tuyên giáo thất bại thì phải tăng cường biện pháp của công an! Phương pháp của công an là dùng mọi thủ đoạn để theo dõi, giám sát, thu thập bằng chứng, bắt về đồn truy vấn, kết tội, bắt viết kiểm điểm, cam kết… Còn tiếp tục vi phạm thì trừng phạt bằng cưỡng chế, đàn áp… Tôi đã từng nghe một lãnh đạo Bộ Giáo dục trả lời báo chí: Phải huy động toàn hệ thống chính trị vào kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục học sinh, đăc biệt là bên công an! Lần đó tôi đã viết: Đừng rước những người không biết gì về giáo dục, hùa nhau vào giẫm nát nhà trường!

Trở lại vấn đề. Phương pháp của công an đang được giáo dục vận dụng triệt để.

Thứ nhất là áp đặt nhận xét, quy kết, viết kiểm điểm, cam kết… Hầu như trường nào cũng áp dụng, hầu hết các giáo viên đều làm theo mà không cần biết hậu quả. Đã có nhiều vụ học sinh uất ức dẫn đến tự vẫn, nhưng dường như vẫn chưa có gì thay đổi. (Có lần trong cuộc hội thảo của Hội Tâm lý – Giáo dục (2011) tôi đã phải nói: “Sao giáo viên của mình ác thế” và bị mấy cô giáo phản đối).

Thứ hai là dùng mắng nhiếc, nhục hình, đánh đập. Nhiều cháu từ Mầm non, Tiểu học đã bị hành hạ dã man khiến cả xã hội bàng hoàng. Phải nói rằng, mắng nhiếc, xỉ vả, xúc phạm nhân cách học sinh là khá phổ biến, như là thói quen của nhiều giáo viên. Nó phản ánh nền tảng văn hóa chung của xã hội, mà giáo dục không những không chống lại mà bị hùa theo.

Thứ ba là dùng “đặc tình” bí mật theo dõi lẫn nhau để báo cáo riêng cho giáo viên. Trong cuộc hội thảo về công tác giáo viên chủ nhiệm (năm 2010), tôi đã nghe một cô giáo Hà Nội báo cáo kinh nghiệm một cách rất tự hào, tự tin về việc cô có một ê kíp tay chân tin cẩn, nên học sinh nào làm gì “bậy bạ” ở đâu cô cũng đều tỏ tường, khiến học sinh rất nể sợ cô… Tôi có góp ý không nên áp dụng biện pháp đó, nhưng xem ra cô bỏ ngoài tai, vì cô rất tự đắc. Liệu có người cha mẹ nào muốn con mình được cô tin cậy làm “mật thám” cho cô? Liệu có ai muốn con mình biến thành kẻ chuyên nghe trộm, nhòm lén, dò la bạn bè rồi bí mật ton hót với cô giáo? Đó là nhân cách của kẻ hèn hạ. Phản bội bạn bè là điều đáng ghét nhất. Tôi rùng mình khi nhớ đến câu chuyện của một quản giáo trại giam đã kể lại. Đó là có một “đặc tình” trong đám phạm nhân đã bị phát hiện. Và một đêm anh ta đang ngủ thì bị các phạm nhân khác trừng trị bằng cách dùng một mảnh gỗ cắm sẵn hai cái đinh vừa đúng khoảng cách hai mắt của anh ta, đóng phập vào! Phải chăng nhiều học sinh bị đánh “hội đồng” gần đây, có nguyên nhân do mách lẻo, phản bội bạn bè?

Thứ tư là dùng camera theo dõi. An ninh một số nước cũng mới đặt camera theo dõi bọn khủng bố ở một số ga xe điện, sân bay… nhưng dư luận cũng băn khoăn, vì như vậy những công dân bình thường cũng coi như bị theo dõi. Đây là biện pháp nghiệp vụ của công an, nhưng khi dùng cũng phải rất thận trọng. Môi trường giáo dục đầy những khẩu hiệu: “Nhà trường thân thiện”, “Thầy cô gương mẫu”, “Học sinh thanh lịch”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc”, “Tuổi thần tiên, mơ mộng, hồn nhiên, trong trắng”… nhưng tất cả đặt dưới sự kiểm soát mọi hành vi bởi camera!?

Nhớ lại có lần (2005) tôi đến trường lycée của Pháp ở phố Núi Trúc Hà Nội, mang tên Alexandre Yersin, cô hiệu trưởng Tiểu học Helène Camboulives dẫn đi thăm mấy lớp học. Thấy học sinh trong giờ học nhốn nháo quá, có mấy em múa may, nhảy nhót, liền hỏi: giáo viên phải có kỷ luật gì với mấy em quậy nhắng kia? Bà hiệu trưởng bảo: hai em quậy nhất là mới ở trường Việt Nam chuyển vào. Có lẽ chúng bị ức chế lâu ngày, nay được tự do nên quá trớn. Anh có biết chúng sợ gì nhất không? Bảo sẽ trả lại trường Việt Nam, thế là chúng trật tự ngay! Sau đó cô tiếp tục chia sẻ: Người giáo viên phải biết chấp nhận mọi kiểu học sinh và tìm ra con đường để dẫn dắt mỗi học sinh đều đi đến thành công. Anh thấy đấy, người nghiên cứu chó sói muốn thành công cũng phải học cách thân thiện, giao tiếp được với cho sói kia mà!… Một cô hiệu trưởng còn trẻ, rất bình dị mà hiểu về giáo dục như thế.

Nhưng các thầy cô trường Chu Văn An ơi! Rồi Ban Giám hiệu và “Bộ tứ” khi ngồi xem băng ghi hình sẽ phải đỏ mặt, không dám nhìn nhau và không biết kỷ luật học sinh như thế nào đâu! “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò” mà lại! Ngày xưa là học sinh, ai cấm thầy, cô làm những trò rồ dại, mà nay đều trở thành những nhà “mô phạm” cả đấy thôi. Vậy mà khi làm thầy cô rồi, lại đổ đốn ra muốn kiểm soát mọi hành vi của học sinh?

Âu cũng là sự bế tắc, khốn cùng của tư duy giáo dục ngày nay!

17/4/2012

Nguồn: Bauxite VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét