Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Tự đốt đuốc lên mà đi!

Khi đài Á Châu Tự Do (RFA) thổi vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng lên như vũ bão, nhiều người tưởng “thời cơ đã đến rồi” và ngày tàn của chế độ cộng sản không còn xa. Họ tin rằng nối tiếp theo Đoàn Văn Vươn, sẽ có nhiều cuộc nỗi dậy khác khắp nơi để đòi công lý, vì tỉnh nào và huyện nào cũng có nạn cướp đất, gây bất mãn rộng lớn trong quần chúng.
Ở hải ngoại, gần như hầu hết các cơ quan truyền thông Việt ngữ đã yểm trợ chiến dịch này, kể cả một số websites Công Giáo. Nếu so với các bài phóng sự tại chỗ của RFA, các bài này không có giá trị kích động bằng, vì đó chỉ là những bài bình luận, tố cáo, lên án… còn RFA với phương tiện thông tin rất dồi dào, đã đi vào những sự kiện sống động diễn ra từng giờ, từng ngày. Nhưng đây cũng là một sự góp phần tích cực ít khi thấy.
Nhiều người rất thán phục các phóng viên đài RFA và nghĩ rằng đài này đang “làm nên lịch sử”, nhưng rồi bổng nhưng chiến dịch này bị ngưng lại. Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Việt Ngữ đài RFA, người đang chỉ huy “trận đánh Đoàn Văn Vươn”, chạy qua yểm trợ Trúc Hồ thổi mạnh chiến dịch Việt Khang lên làm vụ Đoàn Văn Vươn mờ dần, sau đó vụ Việt Khang cũng biến luôn. Bây giờ nhóm Đoàn Văn Vươn đang bị truy tố về hai tội giết người và chống lại việc thi hành công vụ. Đài RFA có loan tin nhưng không bình luận.
KHÁC NHAU MỤC TIÊU VÀ CHIẾN LƯỢC
Có người từ trong nước đã hỏi chúng tôi: “Tại sao ngưng lại?”. Tôi trả lời tôi không rõ lắm. Hình như có lệnh từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Người này lại hỏi: “Thế thì đem con bỏ chợ sao?”
Trên đấu trường chính trị, “đem con bở chợ” hay dùng làm “con bài thí” là chuyện bình thường! Không phải chỉ một vài con chốt nhỏ như chúng ta đang thấy, mà ngay cả một tôn giáo hay một quốc gia cũng đã từng bị “đem con bỏ chợ” hay dùng làm “con bài thí”. Trường hợp của Phật Giáo Việt Nam và VNCH là những thí dụ điển hình.
Nhiều nhà phân tích cho rằng kế hoạch diễn biến hòa bình của Mỹ ở Việt Nam hiện nay là “dùng thằng con thay thế thằng cha”. Những sự đối kháng được kích động lên, cộng với sự thối nát và tham nhũng chỉ có mục đích làm cho chế độ yếu đi và cuối cùng Đảng CSVN phải xích lại gần Mỹ hơn, làm tiền đồn ngăn chận Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á như VNCH ngày xưa. Trong khi đó, mục tiêu của người Việt chống cộng ở trong nước cũng như ở hải ngoại là lật đổ chế độ cộng sản để giải phóng quê hương khỏi nghèo đói và áp bức. Với mục tiêu và chiến lược chiến thuật khác nhau, chắc chắn người Mỹ không bao giờ làm đúng như những người chống cộng muốn.
Các diễn biến cho thấy càng ngày các tổ chức tôn giáo lớn ở trong nước mà Hoa Kỳ nghĩ rằng có thể biến thành lực lượng đối kháng, đều đã thay đổi phương thức hành động để sống còn và vươn lên. Mục tiêu tuy là một, nhưng phương thức hành động phải tùy thời.
HOẰNG PHÁP TÙY DUYÊN
Đức Phật dạy chúng đệ tử: “Hoằng pháp tùy duyên” và người mang sứ mạng hoằng pháp phải nắm vững vàng 4 yếu tố: Giáo, cơ, thời, xứ.
Nói một cách tổng quát, “Hoằng pháp tùy duyên” có nghĩa là khi truyền pháp cho chúng sinh phải tùy theo hoàn cảnh. Hoàn cảnh nào cũng có thể hoằng pháp được, nhưng phải biết xử dụng đúng phương thức thích hợp.
Đạo Phật truyền vào Việt Nam từ thời phong kiến, qua thời Pháp thuộc đến thời VNCH đều theo phương châm “Hoằng pháp tùy duyên”. Chỉ khi Mỹ biến Phật Giáo thành một lực lượng đối kháng để lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, một số tăng sĩ muốn đưa Phật Giáo lên nắm chính quyền, biến loạn mới xẩy ra, gây tổn thương cho Phật Giáo.
Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, đa số các tổ chức Phật Giáo đã vào Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước để “hoằng pháp tùy duyên”. Chỉ một số đi theo Hoà Thượng Huyền Quang và Hoà Thượng Quảng Độ chống lại. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc đấu tranh kiên cường và bất khuất, nhóm Già Lam có lẽ đã nhận thấy rằng phương thức đấu tranh này không còn thích hợp nữa nên đưa ra phương thức mới là “trá hàng để làm văn hóa, hoằng pháp”. Nhóm lập ra tổ chức “Về Nguồn” để thực hiện phương thức mới. Hoa Kỳ thấy không còn dùng Phật Giáo làm công cụ đối kháng được nữa, quay qua Công Giáo, gây ra nhiều xáo trộn.
Phải chăng các nhóm Phật Giáo trong nước đang quay lại với lời dạy: “Ta không ban phúc giáng họa cho ai, tự thắp đuốc lên mà đi”?
NÍN THỞ QUA TRUÔNG
Số tín đồ Tin Lành trong nước hiện nay được ước lượng khoảng 1 triệu. Tổng liên Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc có khoảng 10.000 tín đồ, Tổng liên Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Nam có 400.000. Đa số còn lại ở Tây Nguyên. Theo tạp chí Xưa và Nay ở trong nước, năm 2009 có tổng số 362.689 người theo đạo Tin Lành ở Tây Nguyên, trong đó có đến 90% là người Thượng.
Các giáo phái gia nhập Tổng liên Hội của Nhà Nước đang hoạt động dưới sự giám sát của Mặt Trận Tổ Quốc. Các giáo phái đứng ngoài phải nín thở qua truông. Thỉnh thoảng một vài giáo phái lại gia nhập quốc doanh, chẳng hạn như Cơ Đốc Phục Lâm và Báp Tít Ân Điển.
Tại Tây Nguyên, kể từ khi lực lượng FULRO nổi lên đòi thành lập một “Nước Dega tự trị”, Tin Lành Dega không được công nhận là một tôn giáo, bị đàn áp và phân tán mỏng. Giáo phái Mennonites có liên hệ với Mục sư Nguyễn Hồng Quang, Mục sư Nguyễn Công Chính thường bị coi là tay sai của CIA và bị ngăn cản hoạt động.
Nhìn chung, rất khó biến các giáo phái Tin Lành ở Việt Nam thành một lực lượng đối kháng vì các giáo phái này hoạt động rời rạc, không được tổ chức thống nhất.
ĐỐI THOẠI VÀ THỰC THI BÁC ÁI
Sau cuộc cách mạng Pháp, giáo hội Công Giáo đã tách rời khỏi chính trị và chỉ thực hiện sứ mạng Rao Giảng Tin Mừng.
Nếu so sánh những khó khăn mà các tôn giáo đang gặp phải ở Việt Nam với các khó khăn mà Công Giáo đang gặp phải ở các quốc gia Hồi Giáo Trung Đông, Bắc Phi, Pakistan, hoặc ở Ấn Độ, Bắc Hàn… những khó khăn mà Giáo Hội Công Giáo phải gánh chịu ở các nước này còn nặng nề hơn nhiều. Một thí dụ cụ thể là ở Iraq, gần như không có nơi nào là an toàn cho người Công Giáo: Thỉnh thoảng lại xẩy ra các vụ đốt nhà thờ, sát hại các giáo sĩ, đặt chất nổ tại những nơi giáo dân tập trung cầu nguyện, v.v. Riêng tại Mossul, các vụ khủng bố và kỳ thị đã khiến cho hơn 15.000 tín hữu Kitô trên tổng số hơn 20.000 người phải rời bỏ thành phố này. Trong vòng 8 năm qua, có ít nhất 65.000 tín hữu Công Giáo đã di cư qua Âu Châu. Số giáo dân năm 2001 là khoảng 750.000 người nay chỉ còn lại khoảng 250.000. Ở Ấn Độ, tuy hiến pháp liên bang công nhận quyền tự do tôn giáo, nhưng tại nhiều tiểu bang còn có luật cấm cải đạo, ai cải đạo bị án tử hình. Các cuộc tấn công các cơ sở công giáo thỉnh thoảng lại xẩy ra. Tại Bắc Hàn, từ 1953 đến nay, có khoảng 300.000 Kitô hữu đã biến mất.
Mặc dầu tình trạng bi đát như vậy, ít khi chúng ta nghe Mỹ hay các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng, vì những nơi đó không phải là mục thiêu chiến thuật của họ. Nhìn chung, trong những thập niên qua, tại các quốc gia Hồi Giáo ở Trung Đông, Bắc Phi và Pakistan, tại Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo chủ trương đối thoại và thức thi bác ái để tồn tại và tiến lên.
CÁC NHÓM ĐỐI KHÁNG TỰ PHÁT
Mặc dầu bị kiểm soát và khống chế, nhiều thành phần trong nước vẫn can đảm vùng lên để chống lại sự bất công, hà khắc và áp bức, bất chấp mọi hậu quả. Hệ thống Internet đã giúp một cách rất đắc lực trong việc khơi động lên tinh thần đối kháng.
Tuy nhiên, đa số đã hành động vì sự bức xúc và lòng nhiệt thành, không có tổ chức, không có kế hoạch, không có chiến lược chiến thuật nên không thể tạo dựng một cơ cấu đối kháng có quy củ và thường dễ bị trúng kế địch hay bị biến thành công cụ giai đoạn.
Vì những bất công và tham nhũng, tinh thần đối kháng ở trong nước đang lên cao. Nó sẽ bùng nổ khi thời cơ đến. Điều quan trọng là phải nắm thế chủ động, đừng bị biến thành công cụ. Sau vụ Đoàn Văn Vươn, chắc chắn còn nhiều vụ khác.
ĐỐI KHÁNG Ở HẢI NGOẠI
Khí thế chống cộng ở hải ngoại lúc nào cũng cao, nhưng không có tổ chức, không có lãnh đạo và ai cũng là lãnh tụ, nên khó làm “đại sự”.
Tổ chức được coi là bề thế nhất ở hải ngoại hiện nay là Đảng Việt Tân. Đảng này có tổ chức gần như khắp nơi, có hệ thống cán bộ trẻ có kiến thức, có hệ thống kinh tài để hoạt động, nhưng từ khi FBI ra lệnh chuyển từ đấu tranh võ trang qua đấu tranh chính trị, đảng này không tìm ra được hướng đi. Sau cùng đãng đã tự “chỉnh đốn” lại nội bộ và chủ trương theo cơ hội chủ nghĩa. Đảng nỗ lực “biểu dương khí thế” ở trong cũng như ngoài nước với hy vọng được mời về làm “đại biểu quốc hội”. Đảng CSVN đã lợi dụng chủ trương này, thành lập nhiều tổ chức Việt Tân giả ở cả trong lẫn ngoài nước, làm thành hệ thống bẩy gài bắt các thành phần đối kháng trong nước (gióng Phục Quốc giả sau năm 1975). Nhóm Sinh Viên Vinh, đa số là “cộng tác viên truyền thông” của Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, đã bị Công An gài vô Đảng Việt Tân giả để bắt (chúng tôi sẽ nói trong một bài khác). Do đó, Đảng Việt Tân không còn hoạt động được, vì khó phân biệt Việt Tân giả và Việt Tân thật.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng không để cho người Việt chống cộng ở Mỹ có một “chính sách” về Việt Nam khác với chính sách chung của nước Mỹ hay gây khó khăn cho các kế hoạch của Mỹ. Họ có đủ phương cách để biến cộng đồng người Việt thành công cụ của Mỹ. Công việc này được giao cho nhóm ăn “Fund” ăn “Grand” phụ trách. Khi nào mở chiến dịch tấn công Hà Nội, khi nào ngưng... đều do nhóm này lèo lái.
Từ lâu, một số người Việt chủ trương hình thành những tổ chức nhỏ để thực hiện từng mục tiêu ở trong nước, không bị chi phối bởi chính phủ Mỹ hay cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ cũng đã đem lại một số kết quả.
Ở trong cũng như ngoài nước, muốn khỏi bị dùng làm công cụ hay bị biến thành “con bài thí”, chỉ còn một cách là phải tự đốt đuốc lên mà đi và tùy thời cơ mà ứng phó.
Ngày 3.4.2012
Lữ Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét