Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2012

Xâm hại tình dục trẻ em

Cách đây vài năm, báo chí Hoa Kỳ đăng hình ảnh các can phạm gốc Việt vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em. Luật Meagan yêu cầu sự thông báo rộng rãi về các can phạm này nhằm bảo vệ trẻ em tại các vùng dân cư. Việc này gây xôn xao dư luận người Việt tại quận Cam.

Theo chúng tôi, hành vi là yếu tố cần, nhưng chưa đủ để nói lên nhân cách toàn diện của người phạm tội. Tôi tin là một số trong các vị này có mặc cảm có tội và thật sự ân hận. Bên cạnh đó, cũng có người không hề ân hận khi xâm hại, làm thương tổn và chà đạp nhân phẩm của người khác, dù nạn nhân là trẻ em hay người lớn.


Cá nhân tôi cũng đã có lần là nạn nhân của vấn đề này khi vừa đủ tuổi hiểu biết để cắp sách đến trường ở lứa tuổi mẫu giáo. Mẹ tôi gởi tôi cho một người trong họ để đi công chuyện, và thế là tôi đã phải kinh qua một kinh nghiệm mà không bao giờ tôi có thể quên được...

Tôi cũng đã từng nghe những tâm sự của một số phụ nữ Việt xung quanh tôi, kể cả người thân của tôi, về việc họ bị sờ mó, xúc phạm tình dục lúc còn nhỏ ở Việt Nam.

Sau này tôi lại nghe những tâm sự của một số cô gái trẻ Việt Nam sanh trưởng tại Hoa Kỳ, nay đã trưởng thành và cũng có những kinh nghiệm như vậy khi họ ở trong tuổi thiếu niên hay nhỏ hơn. Tôi viết ra đây, không phải để khẳng định sự phổ cập của vấn đề này vì nó vẫn là những kinh nghiệm cá nhân, không thể dùng để “quơ đũa cả nắm,” nhưng để ghi nhận sự hiện hữu khá phổ biến của tệ nạn này ngay từ ở Việt Nam.

Quan trọng hơn, những năm gần đây, chúng ta nghe nhiều về việc buôn bán biến trẻ em Việt thành nô lệ tình dục tại Cam Bốt, Trung Quốc, các quốc gia khác, và ngay trên đất Việt. Bài viết này không đề cập đến việc buôn người mà sẽ chỉ nói về nguyên nhân và tác hại tâm lý tinh thần đối với nạn nhân của nạn xâm hại tình dục.

Chia sẻ các tin tức cần thiết, chúng tôi tin sẽ giúp phần nào ngăn ngừa và phòng ngừa vấn đề này. Dựa vào tham khảo, học hỏi, và công việc chuyên môn trong khoa tâm lý trị liệu và xã hội, bài viết của tôi sẽ đề cập đến các vấn đề sau:

1. Nguyên nhân đưa đến xâm hại tình dục trẻ em.

2. Những hiểu biết không chính xác về vấn đề này.

3. Tình trạng này phổ biến tại Hoa Kỳ như thế nào?

4. Làm sao để biết con em ở tuổi vị thành niên bị sách nhiễu và hãm hại tình dục?

5. Kinh nghiệm này gây tai hại gì cho nạn nhân?

6. Nếu con em mình là nạn nhân thì cần làm gì?

7. Nếu chính mình là nạn nhân của vấn đề này, dù nay đã ở tuổi trưởng thành, làm sao chữa lành vết thương tinh thần?

Trước khi đi vào trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi xin định nghĩa theo chuyên môn trong khoa tâm lý trị liệu thế nào là xâm hại tình dục trẻ em. Xin không chẩn định và đi sâu về khía cạnh bệnh lý ở đây. Cũng xin miễn bàn về vấn đề loạn luân. Những vấn đề này xin dành lại vào một dịp khác thích hợp hơn.

Xâm hại tình dục trẻ em là khi một người lớn hay một thiếu niên lớn tuổi hơn nạn nhân hành xử với nạn nhân trẻ em để tạo khoái cảm tình dục cho họ. Tiếng Anh gọi cảm giác bị hấp dẫn mạnh mẽ bởi trẻ em, hay mơ tưởng, hay xâm hại tình dục trẻ em là “Pedophilia.”

Có nhiều loại “pedophilia.” Những người này thường là nam. Qui tội thường dành cho người trên 16 tuổi và nạn nhân là trẻ em dưới tuổi thành niên. Nếu thủ phạm là thanh thiếu niên, nạn nhân thường nhỏ hơn ít nhất là 5 tuổi. Những người này hay có mơ tưởng được gần gũi với trẻ em, nhất là trẻ em 13 tuổi trở xuống. Có người bị hấp dẫn với em trai, có người thì với em gái, hoặc cả hai phái. Các cảm giác này có thể bắt đầu từ tuổi thiếu niên đến tuổi thanh niên và kéo dài trong tuổi trưởng thành. Cảm giác này có thể giảm đi khi tuổi đã cao. Họ thường không phải là người lạ đối với các trẻ em nạn nhân. Họ có thể là bạn bè của bố mẹ các em, họ hàng, hàng xóm, người các em biết trong trường học hay cộng đồng... Khi có cảm hứng với trẻ em, họ có thể làm một hay nhiều hành vi sau:

a. Cởi quần áo các em.

b. Cho các em thấy việc thủ dâm (masturbation) của mình.

c. Rờ rẫm sờ mó vào chỗ kín các em.

d. Có hành động tình dục cưỡng bức các em.

Như quí vị đã biết, vấn đề về con người thường luôn không có một sự giải thích đơn lẻ và đầy đủ. Xin đi vào các câu hỏi đã đặt ra:



1. Nguyên nhân hành vi xâm hại tình dục trẻ em?

Ðộc giả có thể đã có câu trả lời dựa trên kinh nghiệm cá nhân hay nhân sinh quan cá nhân, trong đó có cả sự chủ quan và cảm tính của mình đối với hành vi này.

Các nhà nghiên cứu chuyên môn, trong nhiều năm qua nghiên cứu nhiều trường hợp khác nhau từ các cộng đồng sắc tộc, vẫn chưa khẳng định nguyên nhân chính xác của vấn đề này (pedophilia). Các lý luận, như sự rối loạn kính thích tố trong người nam hay chất serotonin trong não bộ, cũng chưa được khẳng định là có liên hệ với hành vi sách nhiễu tình dục trẻ em. Giới chuyên môn cũng không có kết luận rõ ràng rằng kinh nghiệm bị xúc phạm và bạo hành của can phạm lúc còn nhỏ có phải là nguyên nhân của hành vi xúc phạm tình dục trẻ em.

Có học thuyết khác cho biết trẻ em từng là nạn nhân của sách nhiễu tình dục hay quan sát những quan hệ tình dục bất thường có thể làm và quen với những bất thường này trong liên hệ với người khác. Có học thuyết khác thì cho rằng các can phạm cũng đã từng là những thanh thiếu niên sống không có cơ hội có quan hệ tình dục lành mạnh, nên tìm đến những liên hệ bất thường. Một số nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về nguyên nhân đến từ kích thích tố và thần kinh liên hệ đến sức mạnh tình dục của nam giới.

Riêng tôi có phần đồng ý với học thuyết nói về nhu cầu khống chế (control) và xúc phạm nạn nhân trẻ em nhằm đem lại cho can phạm cảm hứng dạn dĩ, mà chính họ không tìm thấy cảm giác đặc biệt này ở đời sống tâm lý bình thường của mình. Nghiên cứu của Trepper và Barrett cho thấy một số người can phạm không bị xâm hại tình dục lúc còn nhỏ, nhưng thường bị tổn thương hay bạc đãi trong tuổi ấu thơ.

2. Các hiểu biết phổ cập không chính xác về việc xâm hại tình dục trẻ em?

a. Tất cả những can phạm là đàn ông.

Sự thật: Mặc dầu đa số can phạm là đàn ông, có những can phạm là phụ nữ.

b. Người đồng tính (homosexual) thường xúc phạm tình dục trẻ em.

Sự thật: Dù không có con số chính xác, các nghiên cứu cho thấy can phạm dị tính (heterosexual) nhiều hơn.

c. Can phạm là người xa lạ đối với nạn nhân trẻ em.

Sự thật: can phạm là người quen biết của các em. Họ là bạn bè của gia đình hay là họ hàng của các em.

d. Những người có hấp dẫn tình dục với trẻ em đều làm theo sự hấp dẫn và mong muốn của mình.

Sự thật: Có nhiều người không hành động theo sự hấp dẫn này mà chỉ sống trong tưởng tượng.

e. Những người có cảm giác bất thường này không thể chữa trị được.

Sự thật: có thể chữa trị được nếu người này muốn thay đổi. Chữa trị thường bằng các phương pháp trị liệu tâm lý tư duy, hành vi, và phân tâm thức và có khi cần đến thuốc men để quân bình kích thích tố hay các hóa chất chuyên biệt của não bộ.

f. Có một số trẻ em đồng tình và không phản đối việc liên hệ tình dục với người khác.

Sự thật: trẻ em không có sự hiểu biết để có thể tự ý quyết định đúng đắn cho mình. Quan trọng hơn, các em không hiểu hàm ý của liên hệ này hoặc điều gì là đúng sai trong liên hệ tình dục để có thể tự bảo vệ mình. Các em cũng không biết hậu quả tâm lý và thể chất của việc liên hệ tình dục như vậy cho chính mình. Các can phạm thường mua chuộc tình cảm bằng cách tỏ sự gần gũi, trìu mến và làm cho các em lệ thuộc họ. Rất nhiều khi họ đe dọa các em để giữ bí mật về mối liên hệ này.



3. Tình trạng này phổ biến tại Hoa Kỳ như thế nào?

20% trẻ em có thể là nạn nhân của xâm hại tình dục. Nghiên cứu cho thấy trẻ em lạc lõng, cô đơn và bị bỏ bê dễ trở thành nạn nhân của người lớn ham thích tình dục với trẻ em. Nghiên cứu cũng cho thấy việc uống rượu và sự bế tắc trong quan hệ bình thường gia tăng sự thiếu tự chế đưa đến tình dục với trẻ em.

4. Dấu hiệu cần quan tâm để tìm hiểu thêm xem con em mình có bị xâm hại tình dục không. Xin không dùng các dấu hiệu này để đi đến bất cứ kết luận nào nếu không có sự giúp đỡ và chẩn định của giới chuyên môn:

a. Thể lý:

* Có các chứng bệnh nhiễm trùng tình dục hoặc có thai (nhất là các em gái trong tuổi thiếu niên).

* Có nhiều ác mộng trong giấc ngủ. Bài tiết và tiểu tiện bất thường. Thói quen ăn uống thay đổi thất thường, và do đó đưa đến việc lên xuống cân quá mức.

b. Hành vi:

* Tâm tính thay đổi đột ngột (căng thẳng, trầm cảm, hay phản ứng thái quá, v.v...)

* Có những phản ứng sợ hãi bất thường hoặc nhiều cơn ác mộng (nhất là trẻ em dưới 5 tuổi).

* Tự dưng có những hành vi trở lại tuổi nhỏ hơn của mình trước đây hoặc thu mình vào thế giới nhiều tưởng tượng một cách bất thường.

* Có những hành vi bất hợp tác (ví dụ như trốn học, chống đối, bỏ nhà đi, v.v...)

* Có những hiểu biết không khoa học và rất thực dụng về vấn đề tình dục và luôn có những suy nghĩ về tình dục.

* Cô độc và không có quan hệ bình thường với bạn bè.

* Từ chối mạnh mẽ và không muốn tham gia vào các sinh hoạt có tính cách thể chất.

* Muốn tự tử.

* Có các bệnh thể lý mà nguyên nhân thường do tâm lý nhiều hơn.

* Dùng rượu hay xì ke ma túy.

* Rất sợ liên hệ với người lớn.

* Tự kể lại là các em bị xâm hại tình dục bởi một người nào đó.



5. Ảnh hưởng dài hạn có thể xảy ra cho nạn nhân:

Lúc nhỏ:

Các em có thể đánh giá thấp chính mình, nhất là khi có điều gì liên hệ đến tính dục của các em. Ngoài ra các em có thể mất tin tưởng với người xung quanh, dễ bị hội chứng trầm cảm, hay hội chứng căng thẳng với sợ hãi bất thường, hoặc các bệnh thể lý kinh niên do xáo trộn tâm lý. Các em dễ muốn tự tử, trở nên cô độc và cô đơn, không có quan hệ xã hội bình thường, dễ làm điều hại cho mình, như mãi dâm, rượu chè và sử dụng ma túy do những vết thương lòng rất nặng, ví dụ như sợ hãi, uất giận, lạc lõng, bất an, cho đến mặc cảm và xấu hổ.

Bên cạnh một số em khi ở tuổi cập kê, có thể mất khả năng quan hệ tình dục bình thường. Nghiên cứu của Robert Johnson, M.D. cho thấy 70% nạn nhân trẻ em cảm thấy rất khủng hoảng sau khi bị xâm hại tình dục. Hậu quả cho các em trai thường nặng hơn so với các em gái. Tuy nhiên, nhìn chung, các trẻ em nạn nhân sẽ ít chịu ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn hơn khi các em không bị qui tội, hay bị trách cứ và đổ thừa cho kinh nghiệm bị xâm hại tình dục của mình. Quan trọng nhất là khi các em được cha mẹ gia đình hỗ trợ và bảo vệ thay vì chửi bới xua đuổi cho rằng các em nói dối hay khi muốn giữ thể diện của gia đình. Trong trường hợp các em có đời sống tâm lý ổn định trong sinh hoạt gia đình, ví dụ như luôn cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, thì nếu có bị kinh nghiệm này, các em cũng dễ hồi phục và bớt bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề hơn.

Ảnh hưởng kéo dài trong tuổi trưởng thành:

Theo nghiên cứu Marshall, Barbaree, và Butt, 53% người xâm hại tình dục trẻ em, chính họ bị xâm hại tình dục lúc nhỏ. Ở tuổi trưởng thành, nạn nhân thường bị xáo trộn cảm xúc, như hội chứng trầm cảm đến từ hậu quả tồn đọng của cảm giác bị lợi dụng, lừa dối, mất tự chủ, và mặc cảm tội lỗi/xấu hổ và cái nhìn thấp kém về chính mình. Theo nghiên cứu của Saunders và Villeponteaux, xác suất mà nạn nhân bị hội chứng căng thẳng tâm lý nhiều gấp năm lần người không phải là nạn nhân.

Ở tuổi trưởng thành, nạn nhân có thể có sự uất giận rất mạnh, và có thể bộc phát quá độ bất cứ lúc nào, có khi trở nên rất bạo động. Uất giận này có khi dễ làm cho họ bạo hành ngôn ngữ hay bạo hành vũ lực với người khác, hoặc trở nên thù hận chính mình. Theo Donaldson và Gardner, hiện nay có khoảng 36% nạn nhân có hội chứng căng thẳng hậu khủng hoảng (Posttraumatic Stress Disorder). Có nghiên cứu cho biết, nếu nạn nhân bị xâm hại tình dục nặng nề, cứ 100 nạn nhân thì có 66 người bị hội chứng căng thẳng hậu khủng hoảng kéo dài đến tuổi trưởng thành.

Ảnh hưởng kéo dài đến tuổi cao niên:

Ðối với nạn nhân nay đã ở tuổi xế chiều, câu nói “thời gian sẽ chữa lành tất cả vết thương” cũng thường không thể áp dụng chính xác. Ở một số người, vết thương còn tồn đọng đưa đến bệnh trầm cảm kinh niên và hay bị chẩn định lầm là mất trí nhớ hay bị tâm thần. Những nạn nhân khi đã cao tuổi, những thay đổi và mất mát trong đời sống từ sức khỏe đến người thân và thay đổi tệ hơn trong điều kiện sinh sống còn có thể làm cho vết thương lòng của họ trở nên rõ rệt và đau đớn hơn.

6. Nếu con em mình là nạn nhân thì cần làm gì?

a. Nếu các em vừa bị xúc phạm tình dục, và nhất là nơi các em bị sự giao cấu, việc đưa các em đến ngay văn phòng bác sĩ hay nhà thương để được săn sóc là điều cần thiết. Việc thiết lập hồ sơ, trong đó có cả việc chụp hình các vết thương của các em, nhằm hỗ trợ trong việc công tố, là rất cần thiết.

b. Nếu vấn đề đã diễn ra trong quá khứ mà gia đình tự khám phá hay nghe các em kể lại, thì việc đưa các em đến các bác sĩ tâm lý hay các vị chuyên môn trong ngành nhi đồng và thanh thiếu niên là cần thiết. Các em cần được săn sóc và chữa trị tâm lý nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tai hại ngắn hạn và dài hạn.

c. Nếu có nghi ngờ nhưng chưa thể khẳng định thì việc tìm đến bác sĩ tâm lý trẻ em hay người chuyên môn để tìm hiểu và chẩn định chính xác là cần thiết.

d. Trường học, bệnh viện, văn phòng bác sĩ, sở xã hội, v.v... đều phải theo luật để thông báo tất cả những nghi ngờ liên quan đến việc bạo hành trẻ em với mục đích là bảo vệ trẻ, chứ không để gây khó khăn cho cha mẹ và gia đình. Việc bảo vệ trẻ em hiện nay là trách nhiệm chung của mọi người, nhất là của chính phủ, và không còn là vấn đề riêng tư của gia đình. Vì vậy, bất cứ ai cũng có thể can thiệp hay thông báo cho các cơ quan chính phủ liên hệ nếu vấn đề có liên quan đến trẻ em.



7. Nếu là nạn nhân lúc còn nhỏ, nay ở tuổi trưởng thành, thì nên làm gì?

Một vài đề nghị gợi ý:

a. Nếu nạn nhân nay đã ở tuổi trưởng thành nhận ra một số hậu quả từ kinh nghiệm này đưa đến triệu chứng tâm bệnh, hay muốn có một đời sống tinh thần và tâm lý ổn định, nhất là trong liên hệ với người thân thì việc tìm đến bác sĩ tâm thần (MD), bác sĩ tâm lý trị liệu (Ph.D, Psy.D. thuộc ngành tâm lý trị liệu, tức clinical psychology) hay những người chuyên môn (LCSW, LMFT) là cần thiết. Quí vị có bảo hiểm sức khỏe, nên liên lạc với dịch vụ Behavioral Health Services của hãng bão hiểm sức khỏe của mình và yêu cầu giới thiệu đến bác sĩ tâm lý trị liệu hay một trị liệu viên. Quí vị cũng có thể yêu cầu cho gặp người chuyên môn Việt Nam, nhất là tại các vùng đông dân cư người Việt.

b. Nếu đọc được tiếng Anh, các sách “self-help” (tự giúp bản thân) đề cập đến cách chữa lành tổn thương hay khủng hoảng thuở ấu thơ (healing childhood trauma, v.v....), áp dụng các cách này có thể đóng góp phần nào trong sự chữa lành của nạn nhân.

c. Theo học và hành nghề các công việc trong khoa tâm lý trị liệu hay xã hội về các dịch vụ chữa trị và phục hồi cho nạn nhân cũng là một trong những phương tiện để hiểu biết thêm và phần nào chữa lành một số vết thương lòng riêng. Quan trọng nhất là giúp nạn nhân tìm lại nghị lực và các giá trị sống của chính mình.

Chúng tôi mong rằng những chia sẻ trên có thể giúp quí bạn đọc thêm một số tin tức về tệ nạn xã hội này. Mọi đóng góp cho bài viết này, xin liên lạc drxuyenmatsuda@gmail.com.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét