“Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội? Vì sao ở nhiều nơi việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, tệ tham nhũng liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi? Vì sao gần 70% số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai?"…Đây là những câu hỏi được TBT Nguyễn Phú trọng nêu ra trong bài phát biểu khai mạc hội nghị lần thứ 5 BCH TƯ Đảng khóa XI.
Hội nghị TƯ không ngẫu nhiên đặt trọng tâm thảo luận vào đất đai như là một trong 4 vấn đề lớn, nhạy cảm, cùng với việc tổng kết thi hành hiến pháp 1992- luật gốc của các luật; chống tham nhũng lãng phí, và vấn đề cải cách tiền lương. Đây có lẽ là một trong những hội nghị quan trọng nhất đối với vấn đề đất đai khi việc thảo luận và các quyết định của Hội nghị sẽ là tiền đề cho việc sửa đổi luật Đất đai vào cuối năm 2013. Và những thay đổi, hoặc không thay đổi chế độ sở hữu đất đai - được quy định dù chỉ một câu trong Hiến pháp - cũng sẽ có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế xã hội của đất nước ở mức độ giai đoạn.
Ngoài ý nghĩa là một nguồn lực xã hội, là tài sản đặc biệt, là tài nguyên quý giá của quốc gia, đất đai còn là “nguồn sống của người dân” - chữ dùng của TBT, và chính vì lẽ đó, những bất ổn xã hội, thể hiện qua con số 70% vụ khiếu tố - cũng là từ những bất cập trong chính sách và việc thực hiện chính sách đất đai. Trong phát biểu khai mạc, TBT đề cập tới việc thứ tự lợi ích - lợi ích nhà nước, lợi ích người dân và lợi ích nhà đầu tư - cần phải đảm bảo trong quá trình đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Ông cũng nêu yêu cầu: Chính sách, pháp luật về đất đai phải bảo đảm cho thị trường bất động phát triển lành mạnh; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tham nhũng, sử dụng lãng phí đất đai.
“Đất đai”, “đất đai”, và “đất đai”.
Tuần trước, trong hội nghị Góp ý về đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà đã ba lần nhắc đến hai từ “đất đai”. Y như một lời than: “80% khiếu kiện liên quan đến đất đai, bất ổn xã hội do đất đai, giảm sút lòng tin cũng từ đất đai!”.Thực tế trong phân bổ nguồn lực thì tỷ trọng rất lớn của chi phí đầu tư là đất đai. Chẳng hạn trong những công trình hạ tầng như đường sá, chi phí bồi thường đất để giải phóng mặt bằng là lớn nhất, chứ không phải chi phí xây dựng. Quy định về đất đai và giá đất liên quan đến đầu tư công, đến hệ thống tài chính tiền tệ, đến tất cả các lĩnh vực, nhưng “đây lại chính là điểm nghẽn lớn nhất cả về kinh tế và cả về xã hội”.
Theo ông Hà: Tháo gỡ điểm nghẽn này chỉ có thể thực hiện bằng cách coi đất đai là điểm đột phá. Trong đó tập trung vào giảm giá đất, sửa Luật Đất đai…giảm giá đất trên thị trường đến mức thấp nhất, đến mức nền kinh tế chịu đựng được. Làm cái này giải quyết được tất cả các điểm khác, cả cải cách hành chính, thể chế, kể cả phân phối lại nguồn lực.
Nói chính xác hơn, “một giảm” cần được thực hiện song song với “một tăng”: Phá bong bóng giá để làm giảm giá đất thị trường xuống mức người dân và nền kinh tế có thể chịu đựng được; và nâng khung giá đất bồi thường, tương đương với thị trường, mức giá mà những người dân mất đất có thể chấp nhận được. Đó chính là cách thức đưa đất đai về đúng giá trị thực. Và tất nhiên, pháp luật về đất đai cũng đã đến lúc trả lại cho người dân sự chính danh, cái tên gọi đối với 7 quyền của chủ sở hữu, bằng việc nghiên cứu đa dạng hóa chế độ sở hữu.
Coi đất đai như là một điểm cần đột phá, giải quyết triệt để những vướng mắc về đất đai. Điều đó không chỉ có ý nghĩa tháo gỡ những điểm nghẽn về mặt kinh tế mà đó còn là sự an dân, là sự bình ổn ở khía cạnh xã hội.
Đôi khi tinh thần của Luật đất đai cũng chỉ cần sửa đổi đơn giản trên sự công bằng về giá và cái tên gọi như thế thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét