Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Cái giá của sự…ngây thơ!

Có hai câu chuyện, có vẻ không nổi bật lắm, giữa bao nhiêu thông tin về cướp, giết, hiếp…, nhan nhản trên báo chí, nhưng lại ám ảnh đau đớn với những người còn chút lương tri. Vì nó “đụng chạm” tới một triết lý nhân sinh, về niềm tin đặt không đúng chỗ, sẽ dẫn đến bi kịch cho chính kẻ ngây khơ, khờ dại.

Nó gióng thêm tiếng chuông bi thảm về sự nhân đức của con người, về sự man rợ của con người khi bị đồng tiền bịt mắt đưa đường, dẫn lối.


Đất lành thành… “đất dữ”

Cách đây mươi ngày, có một thông tin được nhiều báo đưa, khiến bạn đọc rất mừng vui. Lạ kỳ là hàng trăm con bạch hạc bay về đền Cả (xóm Trung Thuận, xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), và lội cả xuống hồ bán nguyệt để tắm, khiến người dân bản địa kéo đến ngắm không chán mắt.

Ai cũng thích thú, vì cho rằng đất lành chim đậu. Người ta tin việc bầy hạc có mặt ở đền Cả phải đến hàng trăm năm mới có. Bạch hạc xuất hiện là một điều rất hiếm, nó báo hiệu điềm lành đến với người dân. Có người lo sợ bạch hạc sẽ bay đi, nhưng những người già thì quả quyết: Hạc trắng đã đến thì nó sẽ ở lại….

Không hiểu sao khi đó, người viết bài lại bị ám ảnh một nỗi lo sợ mơ hồ.

Nỗi lo sợ đó đã không còn mơ hồ. Rất nhanh, nó biến thành sự thật. Một tuần sau, các báo lại đua nhau đưa tin, chỉ trong vòng một tuần, hàng trăm con bạch hạc đã bị các tay súng ở Yên Thành, bắn hạ gần hết thành…mồi nhậu.

Có kẻ, trong một buổi sáng còn khoe, một mình bắn hạ được 27 con. Đàn bạch hạc trước đây hàng trăm con, nay chỉ còn lác đác 5-6 con. Và thân phận chúng, giờ cũng mỏng manh như cái cánh hạc của chúng mà thôi.

Đất lành đã thành…đất dữ với những con bạch hạc vô tội có niềm tin ngây thơ về con người.

Điềm lành có đến với con người ở xã Yên Thành hay không thì không biết, nhưng chắc chắn điềm dữ đã đến với đàn bạch hạc vào cái ngày chúng quyết định bay về, mà không biết rằng, cái chết đang treo lửng lơ trên đầu những ngọn súng săn vô cảm, độc ác một cách thích thú…

Hạc trắng đã đến thì nó sẽ ở lại…. Vâng, hạc trắng đã ở lại, nhưng là ở lại trong những cái dạ dầy tối thui, bẩn thỉu, chỉ biết có mỗi… nhậu là thích thú, là niềm kiêu hãnh để khoe mẽ.

Chợt nhớ đến những địa danh người viết có may mắn được đến thăm. Kinh ngạc vì ở đó, sao các loài chim chóc nó dạn dĩ, tin tưởng ở con người đến thế, quấn quýt với con người đến thế. Tưởng đâu, thế giới này, chỉ có lũ chim và con người là bầu bạn.

Đó là Quảng trường San Marco, trung tâm của Venice thuộc nước Ý. Ai đến đây, cũng sẽ ngỡ ngàng và vô cùng thích thú vì đàn bồ câu hàng ngàn con lúc nào cũng có thể vô tư xúm xít, dạn dĩ âu yếm con người. Hệt như chính niềm tin của chúng đã đặt nơi con người, là đúng chỗ và bất biến.

Đó là bên bờ sông Thames của London (thủ đô nước Anh), nơi lũ chim hải âu tìm thấy sự ấm áp của lòng nhân, từ những mẩu bánh vụn của con người, mỗi khi mỏi cánh. Nếu chúng có thể bay vút lên kiêu hãnh, hay là là sải cánh chao lượn, làm tăng thêm cảnh đẹp vừa thơ mộng, duyên dáng, vừa cổ kính, hiện đại của con sông và thành phố nổi tiếng, thì cũng bởi có sự chở che, thương yêu của con người.

Đó là Công viên trung tâm ở Dublin (Ireland), nơi đàn thiên nga, và lũ chim chóc hoang dã, cứ thấy bóng người là bơi vào bờ, dịu dàng và nũng nịu, hoặc đỗ xuống lích chích để đợi được ăn. Tựa như con người lại chính là bến đỗ bình yên, tin cậy của chúng.

Và nhớ cả câu chuyện của hai người già ở Hà Nội, chẳng chút địa vị gì trong xã hội, cách đây không lâu, đã làm rung động biết bao con tim. Đó là bà cụ già tên là Kính (phố Quán Sứ), đã 85 tuổi, hàng chục năm nay vãi thóc nuôi chim trời.

Là bà hàng nước (phố Bà Triệu), mà cái tên Tim của bà cũng đã nói hộ về lòng từ tâm. Hai chục năm nay, bà Tim nuôi lũ chim sẻ trong thành phố bằng nắm thóc gạo được mua bằng đồng tiền bán từng chén nước chè của mình, dù khi nắng, khi mưa. Đàn này bay đi, đàn khác lại bay đến, hay với chúng, thì lòng từ tâm bao giờ cũng lan xa?

Hai người già đó thương lũ chim nhỏ. Còn bạn đọc nhìn thấy niềm thương đáng trọng của họ.

Điều lạ, cả hai người già ở phố thị, lại có lòng xa xót, nuôi dưỡng những sinh vật bé bỏng, dù thân phận họ bé nhỏ, và cũng là vô tình họ nuôi dưỡng cho sự an lành nhân thế.

Trong khi đó cũng rất lạ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 ban hành đầy đủ, tới 15 chương, với 136 điều khoản. Nhưng thử hỏi các cấp quản lý chính quyền Yên Thành có nắm được các điều khoản cụ thể phổ biến pháp luật bảo vệ môi trường để ngăn chặn những hành động ác tâm, vô ý thức, phá hoại môi trường sống?

Hay “ý thức” ở họ cũng mải “zô… zô… zô…trăm phần trăm?”

Ngây thơ và sự…phản trắc

Báo nld.com.vn (ngày 28/2/2012) có bài viết “Voi có nguy cơ tuyệt chủng” với những số liệu đau lòng: Những năm 1980, ước tính cả nước có khoảng 1.500 con voi. Đến năm 1990, ước còn 300 con. Năm 2002, chỉ còn khoảng 59-81 con, phân bố ở 11 khu vực, trong đó có 82% khu vực đã xảy ra xung đột giữa voi và người. Như vậy, chỉ trong vòng 2 thập kỷ, cả nước có hơn 1.400 con voi chết.

Trước đó, một bài viết trên báo SGTT “Lồng chim tiền tỉ và hình ảnh thảm thương của voi” đã phải: …Gióng lên hồi chuông báo động về sự tàn sát dã man đối với các loài vật của rừng xanh. Có lẽ chưa bao giờ voi bị giết nhiều và tàn độc như thời gian gần đây.

Có lẽ, không có vụ sát hại voi nào điển hình cho sự tàn độc man rợ, cho sự phản trắc nhân danh…con người, điển hình cho cái gọi là “nước mắt cá sấu”, như vụ voi Beckham (Đà Lạt). Con voi đực cuối cùng còn cả đuôi, cả ngà, bị giết thê thảm, tàn ác khó tưởng tượng.

Coi voi đực 37 tuổi bị sát hại dã man

Voi vốn là loài vật tinh khôn, rất có nghĩa, và đóng góp công sức lao động nặng rất nhiều cho con người. Nhiều nơi người ta gọi là “ông voi” để tỏ lòng kính trọng.

Oái oăm thay, voi không chỉ có sức lao động, ngà voi và lông đuôi voi cũng là những “vật phẩm” quý giá của tạo hóa ban phát. Có điều, nếu những vật phẩm đó mang lại nhiều giá trị lợi ích và cả niềm tin tâm linh cho con người, thì nó cũng mang lại… tai họa kinh hoàng cho voi. Đó là điều bất hạnh cho số phận một loài vật.

Nhưng bình yên hay tai họa, hạnh phúc hay bất hạnh cho loài voi, còn phụ thuộc vào đối nhân xử thế của con người, tùy lương tri hay sự tham lam, tàn ác của con người mỗi xã hội khác nhau.

Người viết có dịp ngắm những con voi ở Thái Lan, Lào, ở Campuchia, thân thể căng tràn sức sống, còn …. “đủ cả ngà voi, lẫn đuôi voi”. Và đã thầm gọi chúng là những con voi hạnh phúc.

Hạnh phúc vì ít ra, chúng không bị săn đuổi đến khốn cùng, bị sát hại một cách man rợ, và bị phản trắc đến mất hết cả tính người!

Thế nên, trong vụ án voi Beckham, dù tinh khôn đến mấy, Beckham vẫn là con vật ngây thơ đến tội nghiệp, khi để cho những kẻ thủ ác dắt đi vào trong rừng sâu, chặt gân chân, đốn ngã đến chết.

Người viết bài này đã không đủ can đảm để nhìn những bức ảnh. Nhưng rồi vẫn phải nhìn, phải đọc, để hiểu sự tàn độc của… đồng loại mình ra sao, và không ít lần cổ họng nghẹn đắng, mũi cay xè.

Không biết, lúc chợt nhận ra sự thật của dã tâm con người, Beckham sẽ rống lên những tiếng kêu đau đớn tột cùng ra sao, trước cái uất hận cũng tột cùng, vì lòng tin ngây thơ mà lầm lạc, đặt không đúng chỗ.

Nước mắt của voi trước khi tắt thở- nước mắt của sự ngây thơ khi phải trả giá vì sự phản trắc độc ác, hẳn cay đắng làm sao.

Khi đó, nó chợt nhận ra, con người cũng khốn nạn và đê tiện làm sao!

Điều bất ngờ nhất, sau những giọt nước mắt cá sấu… khóc voi, chỉ ít ngày sau, người ta thấy, “bà chủ” của Beckham- Phan Thị Hoa – GĐ Cty TNHH du lịch sinh thái Nam Qua (Đà Lạt) bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú. Cùng đó, hai kẻ khác đã bị bắt tạm giam để điều tra. Cả ba đều là những kẻ quá thông thạo trong hoạt động kinh doanh voi.

Không rõ đến giờ, vụ án voi Beckham được xử lý ra sao, với đôi ngà voi, tài tình nhất là “được thiêu hủy cùng với voi” chỉ sau đó ít ngày lại “sống dậy”, và nằm trong nhà một trong hai kẻ đối tác làm ăn với Phan Thị Hoa.

Không chỉ con người đang sống trong xã hội chúng ta, nhiều khi xử thế với nhau theo kiểu “luật rừng”, mà chính loài voi, sản vật của rừng, và nhiều giống loài khác như tê giác, hổ, báo, gấu…., cũng đang được hưởng cái … “luật rừng” này một cách trọn vẹn nhất.

Bạch hạc bị diệt gần hết. Voi thì có nguy cơ tuyệt chủng!

Thế cái gì không tuyệt chủng, mà cứ sinh sôi nảy nở như nấm độc nhỉ?

Thói vô cảm, thói quan liêu, thói tham lam, từ miếng ăn đến các kiểu lợi ích chăng!

Môi trường sống bị thu hẹp, bị phá tan hoang, thiếu thức ăn, thiếu nước, thiếu cả đời sống tình dục bản năng giống loài để sinh sôi, phát triển…, đã khiến voi nổi khùng. Mà không nổi khùng sao được?

Cứ nhìn Beckham và đồng loại của nó ở Việt Nam thì đủ biết chúng được đối xử thế nào. Con nào con nấy mất sạch cả ngà, mắt đục ngầu, đuôi bị chặt cụt dã man, gầy gò, bẩn thỉu…

Niềm tin ngây thơ vào con người đã biến thành thù hận tự lúc nào.

Đó không phải lỗi của voi.

Được biết, từ năm 2006, Thủ tướng CP đã ký Quyết định 773/QĐ-TTg khẩn trương triển khai kế hoạch hành động bảo tồn voi tại một số tỉnh như Nghệ An, Đắk Lắk, Đồng Nai. Đó là động thái rất cần thiết.

Tuy nhiên từ đó đến nay, năm 2012 này, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu, vì các địa phương chưa được bố trí kinh phí (!) Do đó, Bộ Nông nghiệp -Phát triển Nông thôn vừa có văn bản kiến nghị … gia hạn kế hoạch bảo tồn voi, với tên gọi “Kế hoạch hành động khẩn cấp đến năm 2020 để bảo tồn voi Việt Nam”

Hành động khẩn cấp, nhưng lại kéo dài đến tận năm 2020 (?)

Không biết lúc đó, có con voi nào còn sống để được hưởng cái kế hoạch bảo tồn “dài lâu” này không? Không biết, những người soạn thảo văn bản, có hình dung thảm cảnh của voi không nhỉ? Đến nỗi ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phải thốt lên: E rằng voi đợi không nổi!

Con người đã quen đợi. Giờ đến lượt voi…đợi!

Bạch hạc bị diệt gần hết. Voi thì có nguy cơ tuyệt chủng!

Thế cái gì không tuyệt chủng, mà cứ sinh sôi nảy nở như nấm độc nhỉ?

Thói vô cảm, thói quan liêu, thói tham lam, từ miếng ăn đến các kiểu lợi ích chăng!

Kỳ Duyên (TuanVietnam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét