Lấy thí dụ Hiến pháp của nước Cộng Hòa Dân Chủ Congo
Ngày 17-4-2012, người phát ngôn của Ban chỉ đạo tổng
kết thi hành Hiến Pháp 1992, thứ trưởng bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên họp báo trả
lời những câu hỏi liên quan đến Bản báo cáo tổng kết thi hành Hiến Pháp
1992. Nội dung các câu hỏi xoay quanh ba vấn đề: quyền sở hữu đất đai,
quyền cơ bản của nhân dân, tổ chức quyền lực. Khó mà không thấy là sự kiện Tiên
Lãng kéo theo những vụ nhân dân đứng dậy đòi lại đất đai, đã tạo trong nội bộ
ĐCSVN 2 phái chống đối nhau về vấn đề có nên sửa đổi 2 điều trong Hiến pháp:
điều 17 “sở hữu toàn dân về đất đai”, điều 4 “Đảng Lãnh đạo”. Hai điều này là
nguồn gốc của những vụ cưỡng chế đất đai, lạm dụng quyền lực và chà đạp nhân
quyền.
Những câu trả lời của ông Hoàng Thế Liên cho thấy điều 17 “Đất đai là sở hữu
của toàn dân” và điều 4 “ĐCSVN là lực lượng lãnh đạo” vẫn được duy trì:
Về “Sở hữu đất đai”: “Phần lớn vẫn kiến nghị giữ nguyên
chế định sở hữu toàn dân về đất đai“. Ông Hoàng Thế Liên cũng cho biết
(trong Đảng) có ý kiến muốn thay “sở hữu toàn dân” bằng “sở hữu đất đai thuộc về
Nhà nước” và có đề xuất “nên đa dạng hóa sở hữu về đất đai”.
Về Dân quyền, ông Hoàng Thế Liên chỉ biết than: “Lâu nay
chúng ta vẫn nói quyền a quyền b được qui định theo pháp luật… cái đuôi này
(pháp luật) gây khó khăn cho chúng ta”. “Chúng ta” là những người tiến bộ trong
Đảng muốn chỉ cắt cái đuôi “Pháp luật” mà cũng không được!
Về Tổ chức quyền lực, ông Thứ trưởng bộ Tư
pháp cho biết: “có hai quan điểm : chính phủ là cơ quan chấp hành,
chính phủ là cơ quan thực hiện quyền Hành pháp”. Những người
tinh ý đều hiểu quan điểm coi chính phủ chỉ là cơ quan chấp hành mệnh lệnh của
Đảng vẫn thắng thế và với ĐIều 4 “Đảng Lãnh đạo”, vẫn không có tam quyền phân
lập và cả ba quyền hành pháp, lập pháp và tư pháp vẫn nằm dưới sự khống chế của
Đảng.
Mấy ngày sau (23-4-2012) ông Nguyễn Minh Tuấn trong bài Khi Hiến pháp là
công cụ bảo vệ dân quyền đăng trên Blog Nhà nước và Pháp Luật thấy
qua những câu trả lời của ông Hoàng Thế Liên “còn một số vấn đề chưa thực sự
sáng tỏ”, đề nghị:
1° Đa dạng hóa các hình thức sở hữu đất đai:
Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng nhận định như mọi người là “không có sở hữu toàn
dân chung chung trừu tượng, chủ sở hữu luôn luôn gắn với cá nhân cụ thể”, nghĩa
là quyền tư hữu là quyền của mỗi người dân, không có tư hữu là không có dân
quyền.
Nhưng đáng lẽ ông NMT chỉ cần đòi hỏi quyền tư hữu phải được ghi nhận vô điều
kiện trong Hiến pháp thì ông lại muốn “đa dạng hóa các hình thức sở hữu đất
đai”. Tôi không hiểu “các hình thức” tự nó đã có nhiều dạng rồi thì còn “đa dạng
hóa” thế nào được nữa! Có lẽ vì vậy ông phải giảng thêm: “đa dạng hóa sở hữu có
nghĩa rằng đối với từng mảnh đất, dù là đất công cũng phải có chủ sở hữu cụ
thể”. Thú thật tôi vẫn không hiểu ông muốn nói gì ! Có lẽ ông muốn ám chỉ “đất
công” cũng không thể nói chung chung được để rút cục cũng chỉ là đất của
Đảng.
Ông NMT lại còn đề nghị: “đề xuất muốn thực sự thuyết phục cần có sự tham gia
rộng rãi của người dân, đặc biệt là những nhà khoa học có chuyên môn”. “Những
nhà khoa học có chuyên môn” là những người nào? Người dân “tham gia rộng rãi”
vào những đề xuất nào?, bằng cách nào? Trong khi Quốc hội còn nằm sờ sờ ra đó,
sao không đưa những đề xuất ra trước Quốc hội?
2° Những quyền cơ bản của người dân:
Ông Nguyễn Minh Tuấn có can đảm khi dám nói thẳng: “cần phải bỏ quy định
quyền công dân không tách rời nghĩa vụ”. Nhưng khi ông đề nghị: “thiết lập
một cơ quan tài phán hiến pháp, giao cho thiết chế này quyền giải thích hiến
pháp”, thì ông lại vẫn muốn Đảng tiếp tục giải thích Hiến pháp theo ý Đảng. Ông
làm như Hiến pháp là một Thánh kinh và “nội hàm các quyền căn bản” quá cao xa
cần phải có một cơ quan “độc lập” giải thích mặc dù ông biết dư “độc lập” dưới
chế độ “Đảng Lãnh đạo” chỉ là một phiếm từ. Ông Nguyễn Minh Tuấn đã viết nhiều
về Hội đồng Bảo hiến và Tòa án Bảo hiến ở các nước có tam quyền phân lập nên
biết dư là những cơ chế này được lập ra chỉ có mục đích xử những vụ vi phạm
hiến pháp chứ không phải để giải thích Hiến pháp theo ý của những người nắm
quyền hành.
3° Phân quyền một cách khoa học
Ông Nguyễn Minh Tuấn dùng những từ ngữ quá tối nghĩa như “cần phải áp dụng
những hạt nhân hợp lý (?) của học thuyết (!) phân quyền bởi lẽ
không có phân quyền thì không có hiến pháp…” . Lẽ ra ông phải đòi hỏi lập pháp
và tư pháp độc lập với quyền hành pháp như trong mọi hiến pháp trên thế giới,
thì ông lại nói ngược lại: “quyền hành pháp phải độc lập với lập pháp và tư
pháp” mặc dù ông biết rõ quyền hành pháp là “Quyền hành Đảng” cùng nghĩa với
“Đảng Lãnh đạo”.
Ông lại còn có ý kiến độc đáo là quyền hành pháp (executive) “cần được
tách làm 2 bộ phận, đó là bộ phận lập chính sách (Gubernatorial?) – gồm
có thủ tướng và các chức năng hoạch định chính sách với bộ phận hành chính
(Administrative) – các cơ quan có nhiệm vụ thi hành luật“. Tôi thú thật
thấy câu nói quá lủng củng và tìm mỏi mắt không thấy trong bản hiến pháp nước
nào có sự phân quyền kỳ lạ như vậy. Tôi cũng không hiểu vì sao ông lại muốn
người ta hiểu “lập chính sách” có nghĩa là “gubernatorial”, một tính từ chỉ có
nghĩa là: thuộc về thống đốc!
Tôi thiết tưởng, là tác giả nhiều bài viết về các thể chế chính trị và pháp
quyền, ông Nguyễn Minh Tuấn chỉ cần lấy lại định nghĩa và những tiêu chuẩn của
một bản hiến pháp thông thường để đòi hỏi phải gạch bỏ những điều nào trái với
dân quyền trong Hiến pháp 1992.
Tôi xin nhắc lại thế nào là một bản hiến pháp coi trọng dân quyền và lấy thí
dụ bản Hiến pháp của nước Cộng hòa Dân chủ Congo:
Hiến Pháp của một quốc gia dân chủ là Luật tối cao về dân quyền
của mỗi người công dân.
Hiến pháp của một quốc gia dân chủ là văn bản có tính cách
đạo Luật căn bản, nguồn gốc của mọi đạo luật
bảo đảm tự do và dân quyền của mỗi người công dân. Tiêu chuẩn của hiến pháp là
những điều về dân quyền nằm trong hai bản Tuyên ngôn:
Tuyên ngôn Nhân quyền và quyền Công dân 1789 (Déclaration
des droits de l’homme et du citoyen 1789)
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (Déclaration
universelle des Droits de l’homme) được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc họp ở Paris
thông qua ngày 10-12-1948. Nguyên bản bằng tiếng Pháp và được gợi ý từ bản Tuyên
ngôn Nhân quyền và quyền Công dân 1789. Để tránh sự diễn giảng kiểu Việt Nam
“nói vậy mà không phải vậy”, điều khoản cuối cùng trong bản Tuyên ngôn này nói
rõ: “không được phép diễn giảng bất kỳ điều khoản nào trong bản Tuyên ngôn
này cho phép bất kỳ quốc gia nào, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia
vào bất cứ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoại bất kỳ
quyền và tự do nào nêu trong bản Tuyên ngôn này”.
Để đảm bảo dân quyền và tự do cho mỗi người công dân, Tuyên
ngôn Nhân quyền 1789 đòi trong Hiến pháp phải có khoản tách biệt ba
quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp. Thiếu khoản này, phải coi như
không có hiến pháp.
Quyền tư hữu là quyền tự nhiên của mỗi con người : Điều 16
của bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Quyền công dân đặt quyền này ngang hàng với Tự
do, An ninh và chống áp bức. Điều 17 của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân
quyền khẳng định “mỗi cá nhân riêng biệt hay trong cộng đồng đều có quyền tư
hữu”. Tuyệt đại đa số những bản hiến pháp trên thế giới đều ghi nhận quyền tư
hữu là quyền tuyệt đối của mỗi người công dân.
Cũng cần nhắc lại là trong chế độ Marxiste đích thực (chưa bao giờ được thực
hiện), quyền tư hữu của mỗi cá nhân vẫn được tôn trọng, chỉ có tư hữu các phương
tiện sản xuất là bị giới hạn và được chuyển qua một tổ chức xã hội chứ không
phải chuyển qua Nhà nước.
Định nghĩa quốc tế về quyền tư hữu:
Quyền được sử dụng, được hưởng thụ và được xếp đặt theo ý mình (như phá
tán, chuyển nhượng, đổi chác, trao tặng) một tài sản mà mình là chủ tuyệt đối và
duy nhất, trong điều kiện luật định. Tài sản đó có thể là một bất động sản hay
một động sản. Chỉ có tư hữu cá nhân. Sở hữu nhà nước hay sở hữu
tập thể cũng chỉ là tư hữu cá nhân được hiểu theo nghĩa rộng. Về mặt luật pháp
mỗi khi có tranh tụng về sở hữu: nhà nước, tập thể, hay cá nhân đều ngang quyền
nhau với tư cách pháp nhân. Lẽ tất nhiên là nhà nước, hay chính quyền địa
phương, vì lợi ích công cộng có thể điều đình với sở hữu chủ có quyền ưu tiên
(droit de préemption) “mua lại ” một bất động sản hay một động sản theo giá thị
trường để thực hiện một quy hoạch nào như mở rộng thành phố, làm đường xá… sau
một cuộc điều tra “tiện và bất tiện” với sự tham gia của các nhà chức trách sở
tại, các cơ quan bảo tồn di tích, các tổ chức bảo vệ môi trường v.v… và nếu có
tranh tụng, phải có sự phân xử của của Tòa án chứ không phải theo quyết định của
Hành pháp kể cả người đứng đầu như Thủ tướng, Tổng thống.
Hiến pháp của nước Cộng Hòa Dân chủ Congo: Xứng đáng được coi là
một bản Luật về Dân quyền
Cộng Hòa Congo, luôn luôn bị chế nhạo là một “nước cộng hòa củ chuối”. Người
Việt không biết sao lại còn đặt ra thành ngữ “Tết Congo” mỗi khi muốn ám chỉ một
chuyện chẳng bao giờ được thực hiện. Cần nhắc lại Cộng hòa Dân chủ Congo là nước
lớn thứ nhì về diện tích (2.345.OOO Km2) và thứ tư về dân số (72 triệu người) ở
Phi Châu, với tài nguyên vô cùng phong phú và dân trí khá cao: Congo là nước
đứng đầu trong khối những nước nói tiếng Pháp về dân số. Tên “Cộng hòa Dân chủ”
có từ khi Congo giành được độc lập qua tay Bỉ năm 1960 dưới sự lãnh đạo của
Lumumba, một lãnh tụ cách mạng được đào tạo ở Liên Xô. Chỉ dưới thời Mobutu tên
nước mới bị Phi châu hóa là Zaire. Khi lãnh tụ Laurent Kabila, một người ủng hộ
Lumumba khi còn trẻ lên cầm quyền, tên Cộng hòa Dân chủ Congo được lấy lại và
một bản hiến pháp tạm thời được ban hành cho tới khi bản hiến pháp hiện nay được
hoàn thiện và có hiệu lực từ tháng Hai năm 2006, từ khi tổng thống Joseph Kabila
lên cầm quyền và sau phúc quyết của toàn dân.
Bản Hiến pháp được viết bằng tiếng Pháp, ngôn ngữ chính của các nước Phi châu
thuộc Pháp khi trước. Tiếng Pháp là tiếng chính xác không có những từ ngữ mập mờ
nên không cần phải lập một “cơ quan giải thích” như đề nghị của ông Nguyễn Minh
Tuấn cho Hiến pháp 1992.
Tôi xin trích dẫn dưới đây những điều chính trong bản Hiến pháp của nước CHDC
Congo để thử so sánh với điều 4 “Độc Đảng Lãnh đạo” và điều 17 “Sở hữu toàn dân”
trong Hiến Pháp 1992 của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
- Ngay trong phần mở đầu, Hiến pháp CHDC Congo đã khẳng định sự gắn bó với
bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Tất cả những điều liên quan
đến quyền người dân đều được sao lại nguyên si từ những điều về nhân quyền trong
bản Tuyên ngôn này và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và quyền Công dân 1789.
Ngoài những điều về nhân quyền được lấy lại trong 2 bản Tuyên ngôn, hiến pháp
của nước Cộng hòa Dân chủ Congo còn đi xa hơn nữa trong công việc thực thi một
cách hữu hiệu dân quyền, quyền tự do và loại bỏ hoàn toàn mọi hình thức độc tài
khi ghi thêm:
- Điều 6: Nước Cộng hòa Dân chủ Congo long trọng công nhận đa nguyên chính
trị. Người công dân nào cũng được quyền sáng lập một đảng chính
trị và gia nhập bất cứ đảng nào mình muốn. Cấu tạo một thể chế
độc đảng sẽ bị coi là mắc tội phản
quốc, không bao giờ được dung tha (une infraction imprescriptible de
haute trahison) và bị pháp luật trừng phạt.
- Điều 8 : Nước CHDC Congo công nhận đối lập chính trị.
Quyền được hiện hữu, được hoạt động và quyền đấu tranh dân chủ đoạt
chính quyền là những quyền thiêng liêng.
- Điều 34 : Quyền tư hữu là thiêng liêng. Nhà nước bảo đảm quyền tư
hữu của mỗi cá nhân, của mỗi tập thể.
- Chỉ có thể truất hữu vì lợi ích công cộng và được luật cho phép sau khi
đã trả trước tiền bồi thường một cách công
minh.
Không một ai có thể bị trưng thâu của cải của mình mà không có quyết định của
một chính quyền tư pháp có thẩm quyền.
Kết luận
Phải đợi đến Tết Congo Hiến Pháp nước CHXHCN Việt Nam mới có được một điều
khoản về tự do, về dân quyền, tương xứng với những điều khoản trong hiến pháp
của cái nước Congo da đen này.
© Phong Uyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét