Trang

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Chuyện VN vận động để vào Hội đồng Nhân Quyền LHQ


Nhà cầm quyền CSVN hiện đang vận động để được bầu vào Hội Đồng Nhân Quyền (HĐNQ) Liên Hiệp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2014-2016. HĐNQ được Đại Hội Đồng LHQ thành lập ngày 15/3/2006 bởi Nghị Quyết 60/251 để thay thế Ủy Ban Nhân Quyền đã bị đa số các nước chỉ trích là không hiệu quả và có quá nhiều thành viên là kẻ vi phạm nhân quyền, một hình thức chó sói chăn giữ chuồng gà.

Nhiệm vụ của HĐNQ là có trách nhiệm cũng cố sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền khắp nơi trên thế giới, lên tiếng về những trường hợp vi phạm nhân quyền và đưa ra những khuyến cáo. HĐNQ có quyền thảo luận tất cả những vấn đề nhân quyền và các tình trạng đòi hỏi sự quan tâm nhân quyền trong năm. HĐNQ họp ở văn phòng Geneva của LHQ. HĐNQ có 3 phiên họp chính thức trong năm với tổng số thời gian khoảng 10 tuần lễ. Phiên họp tháng Ba kéo dài 4 tuần và vừa chấm dứt hôm 23/3/2012, đó là phiên họp thứ 19th, phiên họp tháng Sáu kéo dài 3 tuần và phiên họp tháng Chín cũng 3 tuần. Ngoài ra còn có các phiên họp đặc biệt nếu có 1/3 các nước thành viên của HĐNQ đề nghị để giải quyết các vấn đề khẩn cấp.
HĐNQ có cả thảy 47 các nước thành viên, do Đại Hội Đồng LHQ với 193 nước (South Sudan vừa mới vào hồi tháng Bảy 2011) bầu ra trực tiếp bằng phiếu kín dựa trên tiêu chuẩn là sự đóng góp của nước ứng viên trong sự thăng tiến và bảo vệ nhân quyền, cũng như những hứa hẹn và cam kết một cách tự nguyện trong lãnh vực này.
Các thành viên của HĐNQ được phân chia đồng đều theo yếu tố địa dư với Phi Châu 13 ghế, Á Châu 13 ghế, Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean 8 ghế, Tây Âu-Bắc Mỹ 7 ghế, Đông Âu 6 ghế. Mỗi nhiệm kỳ của thành viên là 3 năm và không được phục vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp.
Văn Phòng của HĐNQ gồm có 5 người, 1 chủ tịch và 4 phó chủ tịch, đại diện cho 5 nhóm vùng miền nói trên, với nhiệm kỳ 1 năm và xoay vòng. Hiện nay chủ tịch là bà Laura Dupuy Lasserre của Uruguay, phục vụ vòng thứ 6th cho nhiệm kỳ 2011 – 2012.
Hiện nay các nước Á Châu ở trong HĐ là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Jordan, Kuwait, Kyrgyzstan, Mã Lai, Maldives, Phi Luật Tân, Qatar, Saudi Arabia và Thái Lan.
Các nước có nhiệm kỳ chấm dứt vào cuối năm nay 2012, tức sắp hết nhiệm kỳ gồm có Trung Quốc, Bangladesh, Jordan, Kyrgyzstan, Saudi Arabia.
Các nước có nhiệm kỳ chấm dứt vào cuối năm 2013 gồm có Mã Lai, Maldives, Qatar và Thái Lan.
Các nước có nhiệm kỳ chấm dứt vào cuối năm 2014 gồm có Ấn Độ, Nam Dương, Kuwait và Phi Luật Tân.
HĐNQ từ khi ra đời cũng gặp những sự chỉ trích tương tự như Ủy Ban Nhân Quyền mà nó thay thế. Ủy Ban Nhân Quyền trước đó đã bị Hoa Kỳ chỉ trích là không quan tâm những vi phạm nhân quyền trầm trọng, cũng như các tổ chức nhân quyền cho rằng nhiều quốc gia có hồ sơ nhân quyền xấu vẫn dễ dàng lọt vào Ủy Ban. HĐNQ hiện đang bị chỉ trích là bị một số nước Hồi Giáo và Phi Châu thao túng, với sự tiếp tay của Trung Quốc và Nga. Một số nước có hồ sơ nhân quyền xấu như Ai Cập dưới thời Mubarak và Libya dưới thời Gadhafi đã có lúc là thành viên HĐNQ.
Nhà cầm quyền CSVN đã thể hiện việc muốn ứng cử vào HĐNQ nhiệm kỳ 2014-2016. Ông thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn đại biểu Lê Lương Minh khi dự phiên họp HĐNQ LHQ ở Geneva hôm 29/2 đã tuyên bố ý muốn này và đánh phủ đầu nói rằng HĐNQ phải dựa trên các nguyên tắc “minh bạch, khách quan, không thiên vị, không chính trị hóa, không chọn lọc, không áp dụng ‘tiêu chuẩn kép; trong việc giải quyết các vấn đề về quyền con người” và phái đoàn CSVN đã tiếp xúc với một số nước để vận động cho việc ứng cử vào HĐNQ.
Theo sự quan sát, CSVN muốn vào HĐNQ vì các lý do sau đây: Thứ nhất, họ muốn trong HĐNQ, khối nước đàn áp nhân quyền mà trong đó có Trung Quốc, Nga v.v.. ở thế khống chế với sức mạnh của đa số áp đảo để các vấn đề nhân quyền dù có được nêu lên cũng đều không được giải quyết hay giải quyết theo kiểu của họ như ta thấy ở Syria. Thứ hai, với sức mạnh khống chế của khối đàn áp nhân quyền trong HĐNQ, họ có thể giải thích ý niệm nhân quyền theo tiêu chuẩn riêng của họ mà không theo tiêu chuẩn phổ quát (universal) của thế giới lâu nay công nhận. Thứ ba, để CSVN rêu rao với thế giới là họ có tiêu chuẩn nhân quyền cao nên mới được bầu vào HĐNQ, các vấn đề đàn áp nhân quyền được nêu lên là do ác ý tuyên truyền của các thế lực thù địch. Điều này làm giảm áp lực của thế giới và trong nước trong việc đòi thay đổi chính trị vì họ chứng minh rằng độc tài độc đảng vẫn hội đủ tiêu chuẩn nhân quyền. Thứ tư, họ dễ dàng hơn trong việc thương thảo các hiệp ước thương mại hay nhận viện trợ của các nước tây phương vì các nước dân chủ đòi hỏi nhân quyền là một thành phần của các hoạt động mậu dịch hay cấp viện.
Nếu chúng ta không phát động thành phong trào vận động mạnh mẽ dư luận quốc tế thì CSVN rất có thể có triển vọng được bầu vào HĐNQ vì như đã nói trên, họ đã và đang vận động còn ta thì bỏ sân trống cho họ tự tung tự tác ra chiêu một mình một chợ.
CSVN có khả năng hóa trang rất hay để che mắt thế giới, họ đàn áp nhân quyền rất khốc liệt nhưng biết che đậy một cách tinh vi kín đáo qua các dạng người dân bức xúc, xã hội đen, áp lực người thân, bao vây kinh tế, phong tỏa cô lập, bắt nguội, tai nạn giao thông và bao nhiêu kỹ xảo khác mà thế giới không quan sát được. Họ đã mời thế giới vào Việt Nam để đầu tư và khoác lên đầu cái mặt nạ cởi mở của hổ dữ đội lốt cừu non. Cho nên, nếu chúng ta không tranh đấu cho nhân quyền của dân tộc chúng ta thì thế giới sẽ tảng lờ và cái ác sẽ tiếp tục ngự trị. Chúng ta phải biết tự lo thì người ta mới động lòng giúp đỡ.
Dĩ nhiên chúng ta không ai muốn chó sói canh giữ chuồng gà, những người tranh đấu cho nhân quyền trong cũng như ngoài nước cần phải rầm rộ phản ứng, chúng ta cần làm cho dư luận thế giới biết rõ nhà cầm quyền CSVN vi phạm trầm trọng nhân quyền, họ đã kín đáo che đậy để qua mắt cộng đồng thế giới.
Chúng ta cần biết thủ tục bầu cử vào HĐNQ để có phản ứng thích hợp. Các thành viên của HĐNQ được Đại Hội Đồng LHQ bầu ra theo đề nghị của các khối khu vực cho nên nơi nhận kiến nghị phải là Đại Hội Đồng LHQ.
Vì việc bầu dựa trên tiêu chuẩn là sự đóng góp của nước ứng cử viên trong việc thăng tiến và bảo vệ NQ, cũng như những hứa hẹn và cam kết một cách tự nguyện trong lãnh vực NQ, cho nên thành tích quá khứ và cam kết tương lai là hai tiêu chuẩn để mọi lý luận của chúng ta xoáy vào để bác bỏ tư cách của nhà cầm quyền CSVN.
Mỗi nước ứng cử viên sẽ phải đi qua thủ tục xét hỏi và bỏ phiếu tại Đại Hội Đồng LHQ, cho nên đại sứ của các nước thành viên LHQ sẽ là người chất vấn và bỏ phiếu. Do đó những vị này là đối tượng cho chúng ta vận động. Hơn nữa, vì các vị đại sứ sẽ tuân theo chỉ thị của bộ trưởng ngoại giao của họ, cho nên bộ trưởng ngoại giao của các nước hội viên LHQ cũng cần được chúng ta vận động.
Thư vận động cần dùng lời lẽ ngoại giao, ôn hòa trong vững chắc, dựa trên pháp lý và công ước quốc tế, tránh cường điệu hay chửi bới, chỉ nêu những sự kiện vi phạm nhân quyền cụ thể, có bằng chứng và ngày tháng, cho thấy nhà cầm quyền CSVN là chủ thể vi phạm trầm trọng nhân quyền.
Ngoài ra chúng ta cũng có thể tạo dư luận mạnh mẽ trong và ngoài nước cùng thế giới bằng cách khai thác website “We the People” của Tòa Bạch Ốc, diện là để yêu cầu Tòa Bách Ốc bỏ phiếu chống CSVN vào HĐNQ, nhưng điểm chính là tạo sự quan tâm và tham dự của người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Chỉ cần có 25.000 chữ ký là chúng ta buộc được Tòa Bách Ốc phải trả lời cho chúng ta về việc bỏ phiếu của Hoa Kỳ. Người Việt ở Canada, Úc, Âu Châu và các nơi khác cũng có thể làm tương tự để tạo thành phong trào.
Sự vận động rầm rộ và mạnh mẽ của chúng ta để chống việc CSVN vào HĐNQ, dù thành công hay thất bại, thì cũng đều có lợi cho người Việt Nam ở trong nước, bởi lẽ nó tạo sự quan tâm và chú ý của dư luận thế giới, nó đưa ra ánh sáng sự thật các vấn đề vi phạm nhân quyền của CSVN. Kẻ gian thì thường hay sợ ánh sáng và sự thật, nếu chúng ta cung cấp thật nhiều ánh sáng và sự thật thì kẻ gian sẽ ít dám gian dối hơn.
————————————————
Tài liệu tham khảo: inputs từ anh Võ Văn Ái, anh Vũ Quốc Dụng, BBC, Website HĐNQ, Wikipedia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét