Câu nói trên của Tiến sĩ Kissinger vì một sự hiểu lầm nào đó đã gây ngộ nhận
khiến nhiều người Việt quốc gia hận thù nhà ngoại giao này, họ nghĩ rằng ông đã
chửi rủa đồng bào ta khi miền Nam Việt Nam đang trong cơn hấp hối tháng 4-1975.
Câu này đã được ghi tại trang 641, phần nói về The Fall of Viet Nam, April 1975,
trong cuốn Kissinger a Biography của Walter Isaacson, cuốn sách 800 trang viết
về Henry Kissinger.
Nguyên văn như sau:
“Why don’t these people die fast? The worst thing that could happen would
be for them to linger on” nghĩa là “Tại sao những người ấy không chết cho
nhanh? Điều tệ hại nhất có thể sẩy ra cho họ là cứ sống kéo dài mãi” nếu dịch
xuôi cho dễ hiểu là “Sao họ không chết lẹ cho rồi? nếu phải sống ngắc ngoải mãi
thật là vô cùng bất hạnh cho họ”.
Ông ta than thở cho số phận của người Đông Dương chứ không rủa họ chóng chết.
Ở đây không phải là để bênh vực cho ông này, kết án ông nọ hoặc thương ông này
ghét ông kia mà là chúng ta cần hiểu cho đúng lịch sử.
Tháng 12 năm 1974 và tháng 1-1975, CSBV bắt đầu mở cuộc tổng tấn công sau
cùng để chiếm miền nam VN tại Phước Long đúng hai năm sau ngày ký Hiệp định
Paris. Tháng 3-1975 họ tấn công chiếm Ban Mê Thuột, cuối tháng 3, đâu tháng 4
năm 1975 hai quân khu 1 và 2 lọt vào tay Cộng quân nhanh chóng do sự sai lầm của
Tổng thống Thiệu trong kế hoạch tái phối trí lực lượng. Họ bắt đầu chuyển quân
đại qui mô vội vã nề phía nam để dứt điểm Sài gòn.
Khoảng đầu tháng 4-1975 trong khi CSBV đang ra sức tiến về Sài gòn, hòa bình
Trung Đông thì tả tơi, bang giao với Nga sô xuống thấp, Cam Bốt gần sụp đổ và
bây giờ miền nam VN đang bị CS nuốt chửng. Khi ấy ông Tổng thống Ford rời Tòa
Bạch ốc đi nghỉ mát đánh golf tại Palm Springs tiểu bang California .
Bản tin
truyền hình buổi tối tai Mỹ cho thấy những lời chỉ trích trước cảnh ông Tổng
thống Ford đi đánh golf cùng lúc với cảnh Đông Dương đang dẫy chết trong đau
khổ. Khi những người phóng viên tới phi trường phỏng vấn TT về thảm kịch đang
diễn ra, ông chỉ nói ồ ồ rồi chạy trốn họ. Kissinger và Ford đã cử Tướng Weyand,
Tham mưu trưởng tới Sài Gòn để thẩm định tình hình quân sự trong một tuần kể từ
28-3-1975, ông trở lại Hoa Kỳ ngày 4-4-1975. Khi về ông đi máy bay thẳng tới
Palm Springs để báo cáo trực tiếp tình hình lên Tổng thống. Ông đề nghị cho oanh
tạc bằng B-52 trở lại và đồng thời xin viện trợ khẩn cấp722 triệu cho quân đội
VNCH, điều xin thứ nhất tái oanh tạc sẽ trái luật, khoản viện trợ trên đây rất
lớn mà chỉ có một ít người tin là có thể giúp VNCH cầm cự được. Khoản xin này
gồm trên 440 xe tăng, 740 đại bác, 100 ngàn súng cá nhân, 120 ngàn tấn đạn
dược.
Báo cáo của Tướng Weyand biện minh cho khoản viện trợ mới nhằm kêu gọi tới
cái nhìn địa lý chính trị của Kissinger, nó muốn nói “Uy tín lâu dài của Hoa Kỳ
trên thế giới phụ thuộc vào nỗ lực thiện chí của ta cố gắng làm hơn là thành
công hay thất bại trong lúc này,nếu ta không nỗ lực uy tín của ta như một đồng
minh sẽ bị tiêu tan có lẽ sẽ qua hết đời này sang đời khác”.
Nói khác đi lời khuyên đó là kéo dài sự kết thúc cuộc chiến tranh cũng chính
là cái lý luận mà Kissinger đã có lần dùng để biện minh cho cuộc chiến đấu trên
mặt đất: dể giữ uy tín khắp nơi. Ít ngày sau dân biểu Whitten (tiểu bang
Mississipi) hỏi “Đề nghị của ông dựa trên cơ bản nào trừ việc chỉ có hình thức,
khi chúng ta đều biết chắc là sắp thua rồi?. Tướng Weyand trả lời: “Thưa ông,
cái cách mà chúng ta làm hay cái hình thức như ông nói nó cũng quan trọng như
thực chất của vấn đề vậy”
Kissinger phản đối đề nghị xin tái oanh tạc của
Weyand: “ Nếu ông làm thế, người dân Mỹ sẽ lại xuống đường biểu tình. Các phụ tá
của TT tại Palm Springs bàn về khoản xin viện trợ, đa số cố vấn của Ford đều
chống đối đề nghị này. Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger cũng chống đối nhưng bị
Kissinger loại ra khỏi cuộc bàn cãi và trở về Wasington, ông này cho là tình thế
của Quân đội VNCH nay không hy vọng gì.
Kissinger vốn bi quan đồng ý rằng
tình hình không thể cứu vãn nổi nhưng dù vậy ông cho rằng đề nghị xin Quốc hội
khoản viện trợ 722 triệu là cách duy nhất để cứu vãn danh dự cho Hoa Kỳ. Ford
đồng ý mặc dù không nhiệt tâm lắm. Trên đường tới phòng họp báo để nói cho các
ký giả biết quyết định, khi ấy Kissinger quay lai nói với Nessen, tùy viên báo
chí phủ Tổng thống về người miền nam VN như sau:
“Sao họ không chết lẹ cho rồi? nếu phải sống ngắc ngoải mãi thật là vô
cùng bất hạnh cho họ”
Tại phòng họp, Kissinger lý luận theo địa lý chính trị. Ông ta nhấn mạnh
quyết định viện trợ sẽ vang tiếng khắp thế giới , cái dấu hiệu gì nó sẽ gửi cho
bạn và thù khắp nơi, ảnh hưởng của nó với uy tín của Hoa Kỳ sẽ như thế nào hơn
là hiệu quả quân sự của nó ở vùng bao quanh Sài Gòn. Tiến sĩ nói
“Chúng ta đang đối diện với tấn thảm kịch vĩ đại, trong đó có cái gì liên
quan tới uy tín, tới danh dự của Hoa Kỳ, tới cái mà các dân tộc khác trên thế
giới sẽ nhìn chúng ta như thế nào”
(Kissinger a Biography, trang
641-642)
Ngày 10-4-1975 Ford ra Quốc hội xin 722 triệu, Kissinger làm việc tới khuya
soạn một bài diễn văn chỉ trích Quốc hội đã làm tiêu tan Hiệp định Paris . Lý
luận về chữ “uy tín” mà ông đã dùng khi bắt đầu nhiệm kỳ của Nixon cũng là chữ
mà ông nhấn mạnh lúc cuối. Trong thông điệp mà ông soạn cho Ford để gửi Quốc
hội, lý luận này được nói gọn gàng
“ Hoa Kỳ không muốn viện trợ đầy đủ cho đồng minh của chúng ta để họ
chiến đấu sẽ ảnh hưởng uy tín của chúng ta như một đồng minh. Và chính uy tín
này là cơ bản cho an ninh của ta vậy”
(Sách đã dẫn trang 642)
Ford giữ câu nói về uy tín nhưng ông làm nhẹ bớt những lời hoa mỹ của
Kissinger tấn công chỉ trích Quốc Hội. Ông nhờ phụ tá Hartmann sửa lại dể việc
xin viện trợ kết hợp với hòa giải quốc gia. Mặc dù đã nói nhẹ nhàng nhưng tại
Quốc hội không có ai vỗ tay cả. Khi Tổng thống ngỏ lời xin viện trợ thì có hai
dân biểu Dân chủ Moffet và Miller bỏ ra khỏi phòng họp. Cả Quốc hội lẫn người
dân đều không còn muốn ủng hộ cuộc chiến tranh VN .
Sau này Kissinger đổ lỗi
cho Watergate đã khiến cho Hiệp Định Paris bị suy sụp. Nói rằng sự sụp đổ quyền
hành của Tổng thống có nghĩa là Hoa Kỳ không thể và không muốn cưỡng bức sự thi
hành Hiệp định. Nhưng đó không phải do vụ Watergate mà vì người ta đã quá ghê sợ
cuộc chiến VN, một cuộc chiến tranh vô ích nó đã tạo tư tưởng cô lập thập niên
70 và khiến cho người dân phải lùi lại trước viễn tượng kéo dài chiến tranh Đông
Dương.
Cho rằng quyền hạn của Tổng thống bị Watergate gây ảnh hưởng xấu tệ đến việc
thảo luận về VN, cũng vậy nỗi thống khổ do VN có lẽ đã đẩy mạnh sự nhiệt thành
của những người chống Nixon trong việc điều tra vụ Watergate. Trong bất cứ
trường hợp nào ngay cả TT Ford, vụ Watergate đã qua đi, Quốc hội không cho phép
cấp viện trợ kéo dài sự đòi hỏi cho danh dự ở VN.
Cuối tháng 3-1975, do kế hoạch tái phối trí lực lượng sai lầm của TT Thiệu đã
khiến VNCH mất hai quân khu 1 và 2, mất luôn cả hai quân đoàn 1 và 2 trong hai
tuần lễ từ 14-3 tới 30-3-75. VNCH mất 5 sư đoàn bộ binh (22, 23, 1, 2, 3), 11
liên đoàn Biệt động quân, mất gần hết 2 sư đoàn tổng trừ bị.. vũ khí đạn dược
coi như mất hết, một phần lớn lọt vào tay Cộng quân.
Thời điểm giữa tháng 4-1975, dù VNCH có soay sở được một tỷ Mỹ kim để mua
tiếp liệu đạn dược cũng không thể cứu vãn tình thế, chỉ trừ có yểm trợ của B-52
mới hy vọng đảo ngược tình hình, lý do quân đội VNCH đã mất một nửa (1/2) lực
lượng chính qui (các sư đoàn 1, 2, 3, 22, 23 và 11 liên đoàn Biệt động quân)
trong khi CSBV bị sứt mẻ ít hơn.
Ford ít khi nào không nghe lời cố vấn về ngoại giao của Henry Kissinger,
người được coi là Khổng Minh thời nay. Một chuyện ít ai biết tới nhưng có ý
nghĩa lịch sử là quyết định của ông hôm 24-4-1975, ngay cả khi khoản viện trợ
722 đã bị treo chính thức, ông tuyên bố trong một bài diễn văn tại Đại học
Tulane rằng đối với Mỹ cuộc chiến tranh VN coi như chấm dứt. Ít ngày trước đó,
ông có nói sơ bài diễn văn này với phụ tá lâu đời Robert Hartmann, ông cho biết
Việt Nam đã sẩy ra lâu rồi và không có người sinh viên nào còn nhớ tới, chiến
tranh đã chấm dứt.
Ford nói chẳng biết Kissinger có chấp nhận ý tưởng này không? Ông thích ý
tưởng này, thảo luận xong ông bảo Hartmann khoan nói cho ai biết chờ ông quyết
định, bản thảo có gửi cho Kissinger nhưng không có ghi câu nói về VN này vì muốn
dấu không cho Kissinger biết. Khi lên máy bay Hartmann đánh máy bài diễn văn và
đưa Tổng thống coi, ông hài lòng. Trước sáu ngàn sinh viên tụ tập tại sân vận
động bóng rổ, ông tuyên bố:
“Nước Mỹ có thể lấy lại niềm tự hào trước khi có cuộc chiến VN nhưng
chúng ta không thể lấy lại nó bằng cách trở lại cuộc chiến tranh liên hệ với Mỹ
nay dã chấm dứt”
(Kisinger a Biography trang 644)
Ford đọc rõ từng câu từng chữ, đám sinh viên ai nấy reo hò, dậm chân mừng rỡ,
họ nhẩy nhót ôm nhau sung sướng mãn nguyện trong khi đó tai nước đồng minh xa
xôi bên kia trái đất, cảnh máu chảy thịt rơi đang diễn ra hàng ngày. Câu nói
“Cuộc chiến đã chấm dứt” vang dội trong nước, nó thể hiện bản tính rộng lượng tế
nhị của một người cầu thủ Mỹ già biết cách xử thế cho tế nhị mặc dù đã thua trân
đấu khi tiếng còi vang lên và cuộc chơi đã dứt.
Walter Isaacson cho rằng mục tiêu địa lý chính trị phức tạp của Henry
Kissinger và ý muốn đổ lỗi trách cứ Quốc Hội của ông có thể hợp lý nhưng nó
không còn hợp thời nữa. Điều bổ ích nhất cho nước Mỹ cần làm, cho vấn đề tấm lý
trong nước và ngay cả cho uy tín trên thế giới ấy là hãy để cuộc Chiến tranh VN
ở lại sau lưng (Sách đã dẫn, trang 644).
Trên máy bay về tòa Bạch Ốc, một ký giả hỏi Tổng thống bài diễn văn này có do
Kissinger soạn hay chấp nhận nó không? Ông nói hoàn toàn không. Một người ký giả
hỏi có phải Tổng thống cố tình nói thế để đánh dấu sự chấm dứt một thời ký trong
lịch sử Mỹ. TT Ford đáp:
“Đúng vậy, dù sao đó là một thời khá lâu dài, mối cảm kích của tôi lẫn
lộn. Tôi thực tình không muốn nó chấm dứt như thế nhưng ông phải thực tế. Ta
không thể thực hiện được sự hoàn hảo trên thế gian này”
(Sách đã dẫn
trang 644, 645).
Sáng hôm sau tại tòa Bạch Ốc, Ford cho gọi Hartmann xuống phòng bầu dục, khi
ấy Tổng thống đang ngậm tẩu hút xì và Henry Kissinger đang đi tới lui giận dữ
như con sư tử mặc dù Ford cố làm cho ông ta bớt giận. Kissinger vung tay trợn
mắt nhìn Hartmann bảo:
“Chúng ta không cần phải nói thế, tại sao lại dấu không cho tôi biết tí
gì cả?
Hartmann lẩm bẩm nói vì soạn bản diễn văn trễ, không ngờ câu
nói về Việt Nam ấy lại tạo lên nổ lớn như thế. Ông ta không nói Ford muốn câu
này từ đầu. Ford đồng ý bảo tại vội quá đấy, rồi ông nháy mắt với Hartmann, ông
phụ tá này bảo Kissinger “thôi từ nay sẽ không sảy ra chuyện này nữa”
Nhiều năm sau, khi kể lại chuyện cũ, Ford ca ngợi Kissinger không hết lời
nhưng khi nói tới bài diễn văn đọc tại Đại học Tulane, ông nói Henry Kissinger
không thích câu “chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt” Tôi biết Henry muốn tiếp tục
tranh đấu xin thêm viện trợ và trách cứ, đổ lỗi cho Quốc Hội. Chính Ford cũng
muốn vậy nhưng ông cho biết đã làm việc tại Quốc hội hai mươi lăm năm, ông biết
chắc họ sẽ khước từ. Ford và Kissinger không đồng ý nhau ở điểm đó, nhưng Ford
nói ông làm đúng, ông hiểu rõ đường lối của lập pháp hơn Kissinger.
Giờ phú chót, Kissinger tìm một giải pháp ngoại giao và lệnh cho Đại sứ
Martin khuyên ông Thiệu từ chức. Hôm sau TT Thiệu từ chức và kết án Hoa Kỳ không
giữ lời cam kết, bỏ rơi đồng minh. Sau này Kissinger gửi thư giảng hòa vơi ông
Thiệu và nói vụ Watergate đã hủy hoại khả năng của chính phủ Mỹ xin viện trợ cho
VNCH năm 1973 và 74 nhất là tình trạng bế tắc năm 1972 do nội bộ Mỹ gây ra.
Kissinger nói nếu chúng ta tiếp tục cuộc chiến thì Quốc Hội Mỹ đã áp đặt từ 1973
cái mà họ đã làm sau này năm 1975, ý ông ta nói nếu VNCH không ký kết Hiệp định
Paris thì Quốc hội đã bức tử miền nam VN từ năm 1973. Thật vậy tháng 1-1973 Quốc
hội Mỹ đã tiến hành cắt viện trợ bỏ Đông Dương đánh đổi lấy 580 tù binh Mỹ nếu
VNCH gây trở ngại hòa đàm (Legislation to terminate the war was speeding its way
to the floor – Lary Berman, No Peace No Honor, p.221).
TT Thiệu từ chức ngày 21-4-1975 nhưng BV vẫn tiến quân, sáng 29-4-1975 Đại sứ
Martin được lệnh thi hành chiến dịch Operation Frequent Wind (Gió đều), đài phát
thanh quân đội Mỹ cử bản “Giáng Sinh Trắng” , người xướng ngôn viên nói “Hôm nay
tại Sài Gòn 105 dộ và đang lên” đó là mật hiệu đã định trước cho kiều bào Mỹ
biết đế tới địa điểm tập trung di tản. Máy bay trực thăng từ hạm đội bắt đầu tới
xà xuống nóc tòa đại sứ Mỹ và những địa điểm khác để bốc người.
Cuộc di tản tại VN không êm thắm như bên Căm Bốt, từ bao lâu nay cảnh hốt
hoảng lúc trực thăng rời nóc tòa đại sứ đã ăn sâu trong tâm khảm nhiều người Mỹ,
một vết thương kéo dài khác của chiến tranh, một hình ảnh tiêu biểu khác của sự
tan vỡ kéo dài một thập niên.
Henry Kissinger nói với các phụ tá trong tòa Bạch Ốc bằng giọng khôi hài cay
đắng
“Tôi là một Bộ trưởng ngoại giao duy nhất đã mất hai quốc gia trong vòng
ba tuần lễ”
Nhiếp ảnh gia trẻ Kennerly chụp hình quang cảnh rồi nói
“Tin mừng là
chiến tranh đã chấm dứt, hung tin là chúng ta thua trận”.
Sau này Kissinger viết.
“Lần đầu tiên trong thời hậu chiến, Hoa Kỳ đã bỏ rơi một dân tộc thân
thiện vào tay Cộng sản, họ đã từng tin tưởng chúng ta”
(Walter Isaacson:
Kissinger a Biography, p.647)
Sự thực Kissinger nhận định không đúng lắm, Hoa Kỳ đã từng bỏ rơi Trung Hoa
năm 1949 và Đông Âu năm 1945.
Trong chính phủ, Kissinger là người cổ võ hăng hái cho viện trợ cần thiết,
ông ta tự coi có trách nhiệm vì đã đàm phán tại Paris , sau này ông viết trong
hồi ký.
“Hồi đó tôi đã không ký Hiệp định nếu không được Quốc hội quả quyết sẽ
tiếp tục viện trợ dồi dào sau khi ta rút quân. Tôi không ngờ chúng ta có thể kết
thúc bằng cách vứt bỏ cà một dân tộc mà ta đã kết nghĩa đồng
minh”
(Henry Kissinger: Years of Renewal – page 476)
Thấm thoát từ ngày những đơn vị tác chiến Mỹ đầu tiên đổ bộ vào Đà Nẵng cho
tới nay 1975 đã mười năm qua, quân Pháp rút khỏi VN tới nay đã tròn hai mươi
năm, quân Pháp trở lại Việt Nam tái chiếm thuộc địa đã ba mươi năm qua. Tác giả
Walter Isaacson nhận định (Kisinger a Biography, p.647) tất cả những gì Hoa Kỳ
đã lưu lại để cho 58,022 người tử trận thấy chỉ là một chút uy tín do thực hiện
được Hiệp định ngưng bắn, nó kéo dài vừa đủ để che dấu sự rút lui của người Mỹ.
Hòa bình và danh dự mà Kissinger tuyên bố tháng 1-1973 đều không lâu dài. Nhưng
Hiệp định Paris ít ra cũng đã tạo được mục đích để Hoa Kỳ từ bỏ lời hứa của họ
với Sài Gòn và cái hậu quả mất uy tín thực ra cũng mơ hồ, cái mà Kissinger đưa
ra chỉ là mơ hồ
Điều ấy cho Kissinger một chút an ủi, ông ta nhận định rằng
sự thất bại ở VN năm 1975 thể hiện một cú đánh vào uy tín nước Mỹ, nó làm tiêu
hao sức mạnh của những lời đe dọa cũng như hứa hẹn của Hoa Kỳ trên thế giới. ông
nói.
“Do bản tính tự xá tội, chúng ta đã phá hỏng cơ bản tự do khắp nơi, sự
đầu hàng ở Đông Dương mở màn cho một thời đại ô nhục của Hoa Kỳ nó kéo dài từ
Angola tới Ethiopia, tới Iran, tới Afghanistan”
Trang 647
Cũng theo tác giả Walter Isaacson, “hậu quả Domino” mà Kissinger và nhiều
người khác tiên đoán không rõ ràng. Việt Nam và Căm Bót đều đã trở thành Cộng
sản, nhưng họ lại đánh lẫn nhau thay vì đổ sang Thái Lan. Các nhà chính khách
Hoa Kỳ đã không hiểu rõ để rồi hy sinh biết bao nhân mạng.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, trả lời phỏng vấn đài NBC Kissinger nói có lẽ
ta sai lầm khi quá quan tâm đến một vấn đề mà bỏ quên những chuyện khác, cuộc
chiến này có tính cách Việt Nam hơn là có thể đưa tới ảnh hưởng quốc tế.
Thiếu tướng Vernon Walters tùy viên quân sự, người từng đưa Kissinger đi về
trong những buổi đi đêm tại Paris , cho tới nay vẫn giữ được một lá cờ vàng nhỏ
của miền nam VN trong văn phòng mình. Khi được hỏi về lá cờ này, ông Tướng giải
thích nó tiêu biểu cho “một công việc còn dang dở” (unfinished business). Chúng
ta đã để cho 39 triệu người rơi vào vòng nô lệ. Đó là một di sản của Hòa bình
trong danh dự (Theo Larry Berman, No Peace, No Honor p.273).
Đầu thập niên 70, đa số người Mỹ chống chiến tranh VN và chủ trương rút khỏi
Đông Dương, người dân đánh giá cuộc chiến này tàn ác, bẩn thỉu, tốn quá nhiều
xương máu vô ích, đáng ghê sợ, dài vô tận không biết đến bao giờ mới chấm dứt …
phải ra khỏi Đông Dương, sống chết mặc bay. Quốc Hội Mỹ do thúc đấy của phong
trào phản chiến cắt quân viện bỏ rơi đồng minh không thương tiếc, cho rằng nó
chỉ là cuộc chiến tranh sai lầm tai hại, đã khiến cho đất nước bị phân hóa, dầy
vò cắn xé nhau tan nát trong bao năm qua, quá tốn kém… phải bỏ Đông Dương bằng
mọi giá, từ bỏ những lý tưởng xa vời để quay trở về với quyền lợi của nước
Mỹ.
Những người Mỹ ủng hộ chiến tranh VN chỉ là thiểu số gồm các nhà lãnh đạo
hành pháp như Tổng thống Nixon, Tiến sĩ Kissinger, Bộ trưởng Quốc phòng Laird…
giới chức quân sự và nhiều nhà học giả nghiên cứu về chiến tranh VN… đổ lỗi cho
Quốc hội cắt quân viện khiến cho VNCH sụp đổ, làm phương hại tới uy tín của đất
nước trên thế giới. Họ lên án Hoa Kỳ đã tàn nhẫn bỏ đồng minh rơi vào vòng nô lệ
của Cộng Sản, những người bạn yếu thế này đã hết lòng tin tưởng vào Mỹ. Họ cho
rằng việc rút bỏ dù chính đáng tới đâu cũng không có giá trị đạo đức.
Bên nào nói nghe cũng hay, cũng có lý cả, nhưng chỉ giới trẻ, thanh niên là
thích thú nhất, ít ra họ sẽ không phải đi lính đóng đồn xa xôi vạn lý bên kia
trái đất. Những người này chiếm đa số trong phong trào chống chiến tranh, đòi
rút quân về nước bỏ Đông Dương.
Trọng Đạt
——————————————–
Tài Liệu Tham Khảo
Walter Isaacson: Kissinger A Biography Simon & Schuster 1992.
Larry
Berman: No Peace No Honor, Nixon, Kissinger and Betrayal in Vietnam -The Free
press 2001
Richard Nixon: No More Vietnams , Arbor House, New York
1985
Henry Kissinger: Years of Renewal- Simon & Schuster 1999
Robert
Dallek: Partners In Power, Nixon and Kissinger – Harper Collins publishers
2007
The Word Almanac Of The Vietnam War: John S. Bowman – General Editor, A
Bison-book 1985
Stanley Karnow: Vietnam , A History, A Penguin Books
1991
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war
Nguyễn
Kỳ Phong: Vũng Lầy Của Bạch Ốc, Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam 1945-1975,
Tiếng Quê Hương 2006
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập,
1963-1975, Làng Văn 2001.
Nguyễn Đức Phương: Những Trận Đánh Lịch Sử Trong
Chiến tranh Việt Nam 1963-1975, Đại Nam 2001.
Cao Văn viên: Những Ngày Cuối
Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography 2003
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét