Thoắt mà đã hơn 30 năm, kể từ ngày văn hào
Nhất Linh, người đã dùng thuốc độc hủy mình “để cảnh cáo những người chà đạp
lên mọi thứ tự do”. Đất nước đã thực sự lọt vào tay Cộng Sản 12 năm sau di chúc
lịch sử của văn hào Nhất Linh được công bố.
Nhà văn Nhật Tiến, giải thưởng văn chương
toàn quốc với truyện dài “Thềm Hoang”, cách đây hơn 30 năm, đã đại diện một
nhóm nhà văn độc lập, đọc trước linh cữu Nhất Linh khi hạ huyệt những lời vĩnh
biệt:
“Kính thưa anh hồn văn hào Nhất Linh,
Thật vô cùng đau đớn và xót xa cho chúng tôi
khi chúng tôi nhận được tin văn hào đã quyết tâm từ bỏ hoàn cảnh sống nhỏ nhen
và tăm tối này để đi về chốn thanh cao.
Đại diện cho một nhóm nhà văn độc lập, không
phụ thuộc một màu sắc chính trị, không gia nhập một đảng phái, hôm nay trước
anh hồn của văn hào, chúng tôi xin được bày tỏ lòng tiếc xót của chúng tôi.
Trọn một đời gian khổ, không ngại khó khăn,
không màng danh vọng, văn hào đã tận tụy hy sinh, từ bỏ mọi quyền lợi riêng để
tranh đấu cho lý tưởng tự do, cho cuộc sống hạnh phúc của dân tộc.
Văn hào đã hoàn thành sứ mạng của người cầm
bút.
Văn hào đã nêu cao sĩ khí bất khuất của truyền
thống những nhà văn chân chính.
Cái chết của văn hào sẽ mãi mãi là ngọn đuốc
soi sáng con đường tăm tối của chúng tôi đang đi, là niềm khích lệ lớn lao cho
những khó nhọc mà chúng tôi sẽ gặp gỡ, là một tấm gương sáng láng mà mãi mãi những
kẻ cầm bút đi sau như chúng tôi phải soi vào để suy gẫm.
Chúng tôi xin nguyện trước anh hồn của văn
hào là chúng tôi sẽ nhất quyết theo đuổi con đường cao đẹp mà văn hào đã vạch
ra.
Đó là sự hoàn thành sứ mạng cao quý của các
nhà văn.
Đó là sự chống đối mãi mãi bạo quyền và bạo
lực.
Đó là sự đòi hỏi đến kỳ cùng quyền tự do được
sống làm người của toàn thể dân tộc, như ý muốn của văn hào trước khi nhắm mắt.
Ôi! Nói làm sao cho xiết nỗi lòng thống thiết
của chúng tôi trong những giờ phút đau đớn này.
Chúng tôi chỉ xin cầu nguyện cho anh hồn của
văn hào sớm tiêu diêu miền Cực Lạc, cũng như xin văn hào linh thiêng chứng nhận
những lời nói chân thành của chúng tôi trong giây phút vĩnh biệt này”.
Tôi tin, cũng như nhiều người khác tin, những
lời vĩnh biệt rất văn hoa và đầy xúc động của nhà văn Nhật Tiến khi ông đọc trước
linh cữu của văn hào Nhất Linh - con người mang tên hai chữ Nhất Linh trong suốt
cuộc đời đã không làm điều gì vô ích, kể cả điều thông thường con người không
có quyền làm là sự chết - nói theo cách nói của luật sư Dương Kiền.
Sau năm 1975, nhà văn Nhật Tiến đã ở lại Việt
Nam ,
đã biết thế nào là Cộng Sản, và sau đó đã vượt biển để biết thế nào là cái tâm
trạng:
Ta thương ta kiếp thuyền nhân
Một lần vượt biển muôn phần đớn đau!
Có điều tôi không hiểu, tôi cũng nghĩ rằng
nhiều người khác không hiểu, về những việc làm của nhà văn Nhật Tiến trong vài
ba năm trở lại đây. Ông tuyên bố rùm beng trên báo chí trước khi trở về Việt Nam “để tìm chất
liệu sáng tác”. Ông đã mang sách “Trăm hoa vẫn nở trên quê hương” về Việt Nam . Sau đó, trở
ra hải ngoại chỉ thấy ông im hơi, lặng tiếng. Có điều gì sai chạy chăng? Nhà
văn vẫn theo đuổi những điều đã hứa trước linh cữu của văn hào Nhất Linh là “hoàn
thành sứ mạng cao quý của các nhà văn… chống đối mãi mãi bạo quyền và bạo lực”
với tư cách một nhà văn độc lập hay giờ đây ông đã “phụ thuộc một màu sắc
chính trị”?
*
Hoàng Phủ Ngọc Tường, là người đã cùng Hoàng
Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân là “những người đã làm vỡ mộng bao cô gái Huế
sau Tết Mậu Thân” - nói theo cách nói của nhà thơ Cao Mỵ Nhân.
Trong tạp ghi “Không Chung Một Bầu Trời”,
nhà thơ Cao Mỵ Nhân viết về buổi lễ kỷ niệm 20 năm Tết Mậu Thân được tổ chức
vào mùa Xuân 1988 tại Nhà Văn Hoá Thanh Niên thành phố Hồ Chí Minh như sau:
“… Hội trường chật cứng những người, ai cũng
muốn biết cái gì là quan điểm của bên kia về Tết Mậu Thân Huế. Có lẽ cái đinh của
buổi “20 Năm Tết Mậu Thân Huế” hôm đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường, hay nói cách
khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói gần như hụt hơi, Phan không lên máy vi âm “cứu bồ”
chỉ đứng tại chỗ phía dưới khi ban tổ chức giới thiệu, Nguyễn Đắc Xuân cũng vậy,
nay Xuân tóc bạc trắng, dung nhan phờ phạc, mơ hồ, không còn nét đấu tranh kiểu
“tâm ca” xa xưa, trước thuở vô bưng.
Vì cả ba người Tường, Phan, Xuân đều hoạt động
văn nghệ Cộng Sản với bút pháp Nguyễn Tuân, nhưng Tường vốn làm thơ, nên buổi
nói chuyện đã chuyển qua không khí một đêm… thơ, hơn là đặc công du kích, chắc
muốn cho vơi bớt hận thù.
Phàm là một người làm thơ, nếu lỡ có tàn ác,
gian xảo, tồi tệ, xấu xa… đến đâu, hình như cũng có lúc “thật mình” như thế, mới
đúng là thi sĩ chăng? Hoàng Phủ Ngọc Tường làm thơ không nhiều, nhưng riêng về
mặt thơ thôi, thì lại có vẻ thi phong, thi cốt:
Thôi em, cảm tạ chờ mong,
Ngày anh đi hái phù dung chưa về.
Đêm qua,
hương đã tàn mê,
Mày ai còn dấu trăng thề như in…
Rõ ràng những chờ mong tuổi trẻ đã tàn phai,
lầm lỡ, như sắc hoa phù dung: sáng đỏ, trưa hồng, tối trắng hay là phù dung thì
sớm nở, tối tàn. Và khi đã tàn cơn mê, thì nét vẽ chân mày cong lên như dấu
trăng thề in rõ rành rành tức là nhướng mắt nhìn sự bất lực của mình:
Bây giờ đã hết trò chơi,
Đã tàn cuộc rượu, để người ra đi.
Đêm qua, không biết làm gì,
Muốn tìm về gã Trương Chi nghe đàn.
Và hai câu kết bài thơ “Đêm qua” tức là qua
rồi giấc mơ chẳng đẹp đẽ gì, chỉ toàn là ác mộng:
Đêm qua nhớ lũ đười ươi,
Lang thang rũ một trận cười trong mây.
Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng là một người Việt
Nam, một người Huế sinh ra và trưởng thành ở Huế, quá đà mộng dữ, đã phản bội lại
Huế hoa niên của Tường, rồi cũng làm thơ, đến khi bắt gặp sự thật phũ phàng, mới
thu hình về sống cô đơn với chính mình, gã đã thấy cuộc chơi nguy hiểm, không
còn hứng thú, đành đi tìm nghe một tiếng đàn Trương Chi. Ai Việt Nam chẳng biết
chàng Trương Chi xấu xí nên thà là mờ mờ nhân ảnh, kính nhi viễn chi, cho “kim
cương” biến thành nước mắt:
Thôi em, cảm tạ con người,
Đã thương, đã ghét giữa trời mênh mông.
Đêm qua rơi xuống cội lòng,
Vàng in chiếc lá ngô đồng thiên thu…
Chao ôi, sắc “vàng” trừu tượng đã giấu vào
thiên thu ký ức, Hoàng Phủ Ngọc Tường với dư âm, dư ảnh Tết Mậu Thân Huế, sẽ
mãi mãi ám ảnh người dân Huế, không sao xóa nổi hận thù, gã sẽ như một thứ
Trương Chi cụ thể, mà Huế như hàng vạn công nương, gã có tương tư Huế đến đâu,
Huế cũng không thể sống chung bởi con người Hoàng Phủ Ngọc Tuờng đã lỡ phát
sinh một khối uất hờn vô lý nhất là khi “đánh Huế”. Nên thôi, suốt đời nhân dân
Huế với Hoàng Phủ Ngọc Tường chỉ cùng uống nước sông Hương mà không thể chung bầu
trời tâm sự (có thể hiểu là không đội trời chung đấy)”.
Hai mươi năm sau biến cố Tết Mậu Thân, người
cầm bút miền Nam ,
nhà thơ Cao Mỵ Nhân nghĩ về “người đi hái phù dung” (*) Hoàng Phủ Ngọc Tường
như thế, không biết có đúng không?
Thời “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc”, nhà
thơ Quang Dũng chỉ vì:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm!
mà đã bị nhà cầm quyền Cộng sản “đì” suốt
bao nhiêu năm trời. Những người cầm bút chân chính chắc chắn có những xúc động
thực lòng khi nghĩ về quê hương, đất nước, con người trước khi viết ra. Nhưng
sau đó, có thể vì những suy nghĩ sai lầm, vì tham vọng cá nhân, vì ngộ nhận của
dư luận… mà mọi chuyện, sau đó, đã khác đi.
Người cầm bút cũng như bao nhiêu con người
khác, họ cũng có quyền sai lầm, vấp ngã. Điều quan trọng là sau khi vấp ngã có
còn can đảm đứng lên và bước tới?
Trong thập niên 40, Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam giã từ con đường văn học, bước vào chính trị. Năm 1948, sau khi Bảo Đại ký
kết với Pháp thoả hiệp 5 tháng 6, Nhất Linh quyết định giã từ chính trường. Sau
đó ông vào miền Nam
hoạt động văn hóa. Ông không tin ở chính trị mà ông tin ở lòng người, ở một cái
đạo ông tìm ra trong hương thơm của hoa phong lan. Và ông đã chọn cái chết để
giữ mình lương thiện:
Người đi, đi mãi không về
Nhớ người dòng suối Đa Mê gợi buồn!
Năm 1968, Hoàng Phủ Ngọc Tường tham gia đánh
Huế trong biến cố Tết Mậu Thân. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chít giải khăn sô cho
hàng vạn công nương Huế! Sau đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tự nhận mình là “người
đi hái phù dung”. Phù dung là một loài hoa tam sắc túy: mới trổ màu trắng, rồi
hường, gần tàn biến đỏ:
Phù dung sớm nở, tối tàn
Tiếng đồn rực rỡ, hỏi nàng có không?
Khi đưa tay hái đoá phù dung, Hoàng Phủ Ngọc
Tường có biết đâu đã sẵn đau thương đợi chờ!
Cách đây hơn 30 năm, nhà văn Nhật Tiến đã đọc
bài điếu văn làm xúc động lòng người trước linh cữu văn hào Nhất Linh. Cách đây
vài năm, Nhật Tiến bị dư luận “lên án” vì có tác phẩm “hoà giải” hoặc “trung lập”.
Nhà văn này đã nói rằng tuy sống ở xã hội tự do nhưng: “Tôi thấy rõ người cầm
bút ở đây chưa thực sự có tự do cầm bút”.
Câu tuyên bố của nhà văn Nhật Tiến quả có điều
khó hiểu.
Cho đến năm 1987, vào hai ngày 6 và 7 tháng
10, trong một cuộc nói chuyện với hơn 100 văn nghệ sĩ ở trong nước, Nguyễn Văn
Linh, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, xác nhận 2 điều:
- Đảng đã đánh giá thấp vai
trò, vị trí của văn học, nghệ thuật;
- Đảng thiếu dân chủ, trói buộc văn nghệ sĩ,
nhiều khi độc đoán, sát phạt.
Lời xác nhận như những hồi trống giáo đầu của
vở kịch “Cao trào Văn nghệ Phản kháng” từ bấy đến nay với màn vĩ thanh như thế
nào chắc nhà văn Nhật Tiến đã rõ.
Không biết nhà văn Nhật Tiến thích loại hoa
nào: hoa phong lan hay hoa phù dung?!
Bài viết này lẽ ra đã được kết luận với câu
kết như trên nếu tôi không tình cờ đọc được bài phỏng vấn của báo Thanh Niên của
Cộng sản Việt Nam được tạp chí Cuộc Đời số 19, tháng 1-1995, đăng lại. Bài phỏng
vấn nhan đề “Nhật Tiến - Quê Hương: Chiếc nôi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng
tạo”.
Nhà văn Nhật Tiến tuyên bố với phóng viên
báo Thanh Niên là “quê hương đã có nhiều thay đổi, nhất là về chính sách
kinh tế và ngoại giao”, Nhà văn cho biết là ông và Nhật Tuấn (em ruột của
ông) sẽ in chung tập truyện ngắn “Quê Hương - Quê Người”. Sách sẽ do nhà xuất bản
Văn Hóa ở trong nước xuất bản.
Trong cuộc phỏng vấn, Nhật Tiến cũng cho biết
là “trong 15 năm xa quê, tôi chỉ in được vài ba tập truyện ngắn, một truyện
dài và một tập bút ký viết chung với hai ký giả khác”.
Được hỏi: “Lựa chọn quê hương là nơi đầu
tiên ra mắt cho tác phẩm, điều đó với ông mang ý nghĩa gì?”
Nhật Tiến đã trả lời như sau: “Đó là sự lựa
chọn có ý thức và với tôi mang nhiều ý nghĩa. Trước hết là tôi luôn mong mỏi những
sáng tác của mình tới được tay độc giả trong nước, bởi vì dẫu sao quê hương, đồng
bào, dân tộc vẫn là cái nôi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo cho tất cả văn
nghệ sĩ. Sau nữa, việc in chung tác phẩm với một nhà văn trong nước ngay tại
quê nhà cũng là một bước cụ thể trong tiến trình hòa hợp trên tinh thần dân tộc
để xây dựng một đất nước phồn thịnh mà tôi vẫn hằng suy nghĩ từ gần hơn 10 năm
qua”.
Ở hải ngoại, cũng một vấn đế người ta có thể
có nhiều cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau và đôi khi hơi ồn ào. Trong giai đoạn
đầu, khoảng 1991-1992, tôi cùng một số bạn bè văn nghệ hết sức tán thành và hỗ
trợ cho bất cứ tờ báo nào thực hiện được chủ trương hòa hợp dân tộc như tôi đã
nói trên. “Hợp Lưu” là một trường hợp cụ thể. Riêng tôi, vì báo chí không phải
là ngành chuyên môn, lại không có thời gian dành cho lãnh vực văn nghệ nên chỉ
hỗ trợ cho “Hợp Lưu” trên phương diện tinh thần là chính. Sau này, cảm thấy tự
ngượng, vì thực tế, nhất là những năm 1993-1994, mình chẳng đóng góp được điều gì
thiết thực, cụ thể cho tờ báo mà vẫn được để tên trong ban chủ trương nên tôi tự
động rút tên. Đây hoàn toàn chỉ là vấn đề tự trọng và sự lương thiện trí thức đối
với độc giả mà thôi”.
Tôi tin nhà văn Nhật Tiến đã có “vấn đề tự
trọng và sự lương thiện trí thức” khi trả lời câu phỏng vấn của báo Thanh Niên
của Cộng Sản Việt Nam: “Hình như tinh thần dân tộc đó đã được ông thể hiện bằng
cách hành động và đã nhận lãnh nhiều “búa rìu” dư luận tại hải ngoại. Có phải
ông là một trong những người chủ trương tạp chí Hợp Lưu”?
Trong cuộc sống, có người đi bên này sông,
có người đi bên kia sông, có người lội xuống giữa dòng mà đi. Ai cũng có quyền
thương yêu thù hận trong đời.
“Những người cầm bút, có người coi sự hoạt động
chính trị như phản lại sự độc lập của
ngòi bút và khước từ tham gia chính trị với quan điểm rằng công việc của nhà
văn giản dị là chỉ có viết mà thôi; có người lại chủ trương tham gia hoạt động
cộng đồng như một công dân và tham gia chính trị với ý nghĩa tích cực nhất” - như kịch
tác gia Vaclav Havel, cố Tổng thống Tiệp Khắc, Chủ tịch Danh dự Văn Bút Tiệp Khắc, đã phát biểu trong
Đại hội Văn Bút QuốcTế tổ chức tại Prague vào năm 1994.
Dù chọn lựa thái độ nào thì sáng tác của những
người cầm bút cũng phải gắn liền với thời đại mà anh ta đang sống. Và phải chịu
sự phán xét của độc giả. Và người cầm bút nào cũng phải biết rằng những cái còn
lại là sau khi anh ta đã nằm xuống.
Trong quyển “Godfather”, một quyển truyện
găng-tơ nổi tiếng của Mario Puzo, hai nhân vật chính: “Bố Già Bố” Vitto Corleon
và “Bố Già Con” Michael Corleon, không ám ảnh tôi bằng hai người vợ của hai
nhân vật này.
Hai người đàn bà, một người là mẹ chồng, một
người là nàng dâu. Cả hai người đều là vợ của hai ông Trùm Quyền Lực giới
găng-tơ trong tiểu thuyết của Mario Puzo, mỗi cuối tuần đều đến nhà thờ cầu
nguyện cho linh hồn của chồng mình.
Cách đây vài năm, trên một nhật báo, tôi có
đọc được tin là bà Phương Khanh, vợ của nhà văn Nhật Tiến mỗi tối đều lên chùa
để cầu nguyện khi nhà văn này về Việt Nam. Tôi không nhớ rõ lý do bài báo viết
vì sao bà Phương Khanh phải lên chùa cầu nguyện.
Mãi cho tới bây giờ, tôi cũng không biết rõ
lý do. Bà Phương Khanh cầu nguyện - như bà Vitto Corleon và bà Michael Corleon
cầu nguyện cho linh hồn của chồng mình vì biết chồng mình làm chuyện gian ác mà
không thể ngăn cản được? Hay là vì lý do bà chỉ là một Phật tử?
Có điều tôi biết chắc chắn rằng hoa phong
lan thanh tao, cao quý hơn hoa phù dung tam sắc túy!
Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đã chít
giải khăn sô cho hàng vạn công nương Huế tự nhận mình là “người đi hái
phù dung” không có gì khó hiểu.
Chỉ tiếc cho nhà văn Nhật Tiến!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
(*) Tựa một tập thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét